Khi nhà ở xã hội bán mãi không hết

Nhà ở xã hội luôn được nhận định là phân khúc có nhu cầu lớn song thực tế, nhiều dự án lại đang trầy trật, bán hàng chục lần không hết.
Khi nhà ở xã hội bán mãi không hết - Ảnh 1.

Dự án Bamboo Garden mở bán 19 lần trong 4 năm vẫn chưa hết các sản phẩm nhà ở xã hội.

Bán 19 lần chưa hết

Những ngày đầu năm 2020, dự án Bamboo Garden (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư, tiếp tục thông báo nhận hồ sơ bán và cho thuê đợt thứ 20. Theo đó, đợt này sẽ có 24 căn được bán, giá xấp xỉ 10 triệu đồng/m2; 86 căn cho thuê, giá 48.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm VAT+ phí bảo trì).

Dự án gồm hai tòa chung cư, cao 9 tầng được xây dựng tại ô đất có diện tích 10.582 m2 với 432 căn hộ, diện tích dao động từ 48 m2 - 66 m2. Dự án này được quảng cáo là khu nhà xã hội đạt tiêu chuẩn, đáp ứng tốt nhất tiêu chuẩn dành cho cư dân. Nằm trong khuôn viên Khu đô thị Sunny Garden City, Bamboo hưởng toàn bộ hệ thống hạ tầng kĩ thuật đồng bộ và các tiện ích của khu đô thị cao cấp... Thế nhưng 4 năm qua (từ 2015 - 2019) chủ đầu tư mở bán 19 đợt vẫn chưa hết.

Trước đó, dự án Khu nhà ở xã hội Phú Lãm (The Vesta), tại Hà Đông do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư (diện tịch 45.000 m2, gồm khu nhà ở, 8 tòa chung cư) cũng mở bán đến gần chục đợt mới hết.

Khởi công khoảng quí II/2015, dự án được giới thiệu là khu nhà ở xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện giao thông, qui mô lớn nhất Thủ đô. Trong đợt rao bán thứ 7 (tháng 8/2019), chủ đầu tư thông báo bán ba căn thuộc tòa CT4, giá dự kiến 13,6 triệu đồng/m2; giá thuê 45.396 đồng/m2/tháng (chưa bao gồm thuế và phí bảo trì).

Theo ghi nhận, cả hai dự án đều cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km, không thuận tiện giao thông công cộng. Anh N.M.T., một cư dân sống tại dự án Bamboo Garden chia sẻ: “Khi thấy giá bán phù hợp, được vay gói ưu đãi với lãi suất thấp nên gia đình tôi quyết định lựa chọn.

Tuy nhiên, khi về ở mới thấy hết sự bất tiện. Do vợ chồng, con cái đều làm việc, học tập trong nội thành Hà Nội nên việc đi lại rất vất vả, nhất là những hôm thời tiết bất thường, trong khi giao thông công cộng lại chưa có”.

Giá rẻ nhưng chưa đáp ứng đúng nhu cầu

“Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị… Tuy nhiên, tính đến tháng 1/2020, tổng diện tích trên cả nước mới đạt hơn 4,2 triệu m2, đạt hơn 30% mục tiêu đề ra.

Tại Hà Nội, tính đến hết năm 2018, kết quả thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của thành phố chỉ đạt 14% kế hoạch đặt ra, còn thiếu hơn 4,7 triệu m2 nhà ở. Hầu hết các dự án theo danh mục dự kiến hoàn thành trong năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 đều chậm tiến độ”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát cho biết, sau đợt bán lần thứ 7, nhà ở xã hội tại dự án The Vesta đã bán hết.

“Nguyên nhân bán nhiều đợt là do Sở Xây dựng xét duyệt lâu, kĩ càng nên nhiều hồ sơ bị loại, số lượng hồ sơ được duyệt mua nhỏ hơn số căn hộ muốn bán nên dẫn đến dư hàng, phải đăng bán những lần tiếp theo”, vị này giải và cho biết thêm, dù được Nhà nước hỗ trợ nhiều về thuế, tiền sử dụng đất... song hiện nay các chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội do bị khống chế giá, thủ tục rườm rà, lợi nhuận thấp.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và TP HCM thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng tham gia thuê, mua nhà. Thậm chí, có những dự án đã xây dựng rồi nhưng không có người mua, phải đề xuất phá để xây nhà ở thương mại.

Theo ông Nghiêm, thủ tục pháp chỉ là một phần, nguyên nhân chính là do việc lựa chọn vị trí xây dựng chưa phù hợp với đối tượng được sử dụng. “Các khu công nghiệp cần nhà ở xã hội thì chưa đáp ứng. Một số khu xây dựng xa nơi làm việc, xa trung tâm thì không có người đến ở. Quy mô, cơ cấu đối tượng và điều kiện ở tối thiểu chưa được nghiên cứu kỹ, chưa quan tâm đến đối tượng có nhu cầu thuê”, ông Nghiêm nói.

Qua đây, ông Nghiêm đề xuất, cần qui hoạch khu vực xây dựng nhà ở xã hội rõ ràng, đảm bảo quy mô, cơ cấu đối tượng, thay vì thực hiện theo đề xuất của các nhà đầu tư. Ngoài ra, hiện nay nhiều người không thuộc đối tượng thì lại mua được, trong khi nhiều người đủ điều kiện mua lại không biết mua ở đâu. Do vậy, cần công khai đối tượng, quá trình xét duyệt hồ sơ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng rất khó để phát triển các khu nhà ở xã hội gần trong nội đô vì giá xây dựng và đền bù rất lớn, trong khi Nhà nước khống chế giá bán.

Vì thế, nhà ở xã hội phải xây dựng ở những vùng xa trung tâm, giá đất thấp thì mới có khả năng đảm bảo mức giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc xa trung tâm, không có hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng dịch vụ lại khó có thể thu hút người mua.

Theo ông Đính, phát triển nhà ở xã hội phải gắn liền với việc kéo dãn khu vực kinh tế ra ngoài ven đô, khu đô thị vệ tinh, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, phù hợp với nhu cầu nhà ở từng khu vực... “Trước mắt, khuyến khích dự án thương mại có trách nhiệm, nghĩa vụ trích một phần trong số đó ra để cơ cấu giá phù hợp, bổ sung quỹ nhà ở xã hội mà xã hội đang cần”, ông Đính nói.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.