"Mọi người đi nước ngoài đều thấy quy hoạch của họ được xây dựng dài hạn chứ không phải 5-10 năm lại sửa. Trong khi ở nhiều địa phương, nhiệm kỳ lãnh đạo tỉnh xây dựng quy hoạch thế này, nhiệm kỳ sau lại thay đổi, bổ sung", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói khi thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Theo ông Mẫn, khi xây dựng dự thảo luật cần quan tâm tính minh bạch và đồng bộ của quy hoạch. Thông tin quy hoạch phải được công khai thông tin, lấy ý kiến nhân dân, nhất là nhóm chịu tác động trực tiếp.
"Phải thiết lập cơ chế giám sát, đảm bảo quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện", ông Mẫn nói và lưu ý, những vấn đề nêu trên cần được tính toán kỹ trong dự thảo.
Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017, sau đó Chính phủ và bộ ngành có văn bản hướng dẫn, nhưng theo ông, "đến giờ vẫn nhiều vấn đề ách tắc".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 10/5. (Ảnh: Giang Huy).
Vì vậy, ông Mẫn đề nghị các cơ quan xây dựng dự thảo luật lần này hoàn thiện hệ thống quy hoạch tích hợp và đồng bộ, đảm bảo liên kết giữa quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Luật cần quy định rõ cơ chế phối hợp bộ ngành, địa phương trong lập, thẩm định, thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, việc xây dựng quy hoạch cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Phân cấp, phân quyền cũng cần đẩy mạnh để tránh tình trạng Quốc hội, Chính phủ đã quyết rồi, nhưng địa phương vẫn phải lên làm việc với bộ ngành để chuyển quy hoạch, gây nhiều khó khăn.
"Trước đây, khi ban hành Luật Quy hoạch ai cũng phấn khởi, nhưng khi thực hiện thì vướng. Vậy vướng gì, ở đâu, thế nào? Chúng ta cần làm rõ để biết gỡ gì, ở đâu, gỡ thế nào. Những vấn đề này đều do con người", ông nói.
Quy hoạch chồng chéo là thực tế lâu nay
Tham gia thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự luật mới bổ sung quy định xử lý các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ. Theo đó, việc sửa luật lần này nhằm đảm bảo điều chỉnh quy hoạch các cấp sau khi sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực, các địa phương có thể điều chỉnh quy hoạch ngay.
"Khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập các địa phương với nhau, quy hoạch tỉnh cần được điều chỉnh, nếu không, địa phương không làm gì được. Do đó, Luật Quy hoạch phải sửa ngay mới đáp ứng được, nếu không tắc hết", ông nói.
Liên quan tới phân cấp, phân quyền cho địa phương, Bộ trưởng Thắng cho hay, dự luật đưa ra quy định mạnh hơn, như đề xuất phân quyền quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, vốn thuộc thẩm quyền của Quốc hội; phân cấp cho các bộ thẩm định quy hoạch chuyên ngành; UBND tỉnh thẩm định quy hoạch tỉnh...
Dự luật cũng bổ sung quy định quy hoạch chuyên ngành, vùng, tỉnh được phép lập đồng thời, nhằm xử lý vướng mắc lâu nay và đẩy nhanh tiến độ.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 10/5. (Ảnh: Giang Huy).
Về xử lý mâu thuẫn, chồng lấn giữa các quy hoạch, ông Thắng thừa nhận đây là vấn đề vướng mắc thực tế lâu nay. Đơn cử, một số địa phương có tuyến đường đã có quy hoạch giao thông, nhưng lại chồng lấn với quy hoạch khoáng sản. Giờ quy hoạch nào điều chỉnh theo quy hoạch nào, "rất khó phân định". Thời gian qua, một số trường hợp cụ thể được đề xuất trình Thủ tướng quyết định để không chồng lấn, nhưng chưa giải quyết được triệt để.
Vì vậy, ông Thắng đề xuất dự luật bổ sung nguyên tắc khi có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch chuyên ngành, kỹ thuật thì cấp có thẩm quyền cao hơn sẽ quyết định điều chỉnh quy hoạch nào.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính, nhận xét hệ thống quy hoạch của Việt Nam hiện quá nhiều và phức tạp.
Dự thảo luật lần này đề xuất bổ sung quy hoạch chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch chung quốc gia, tăng phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, bộ ngành, địa phương. Ông Hùng đồng tình việc này, nhưng lo ngại với hệ thống quy hoạch lên tới 117 loại khác nhau hiện nay, việc bổ sung thêm bất kỳ quy hoạch nào đều khó đảm bảo thống nhất, khó triển khai, xử lý mâu thuẫn khi thực hiện.
Theo ông, hiện các nước tập trung ba quy hoạch chính, gồm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị (quy hoạch hình thành các đô thị, kết nối trung tâm và vệ tinh) và quy hoạch phân vùng nhằm đảm bảo kết nối đô thị, sử dụng đất. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm này.