Chi tiết phương án làm đường 5.000 tỷ đồng nối cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Đường kết nối cầu Tứ Liên từ nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Trường Sa đến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có chiều dài khoảng 5,7 km, với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh cũ (nay đã thành 5 xã sau sáp nhập, sắp xếp) đã công bố Báo cáo Đánh giá tác động môi trường dự án đường kết nối cầu Tứ Liên từ nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Trường Sa đến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Dự án này phù hợp với Quy hoạch chung xây dụng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuyến đường này sẽ còn kết nối đường Trường Sa, cầu Tứ Liên với Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, qua đó kết nối với tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội.

 Khu vực làm cầu Tứ Liên. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Dài khoảng 5,7 km, sử dụng hơn 36 ha đất

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh (chủ dự án), địa điểm thực hiện dự án thuộc các xã Đông Hội, Mai Lâm, Dục Tú, Liên Hà thuộc huyện Đông Anh (cũ), TP Hà Nội.

Điểm đầu xây dựng nằm sau nút giao quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa phận xã Đông Hội, huyện Đông Anh (khớp nối với điểm cuối dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại các xã Mai Lâm, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh, tức Vinhomes Cổ Loa, do CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam làm chủ đầu tư).

Điểm cuối xây dựng  kết nối với đường Vành đai 3 theo quy hoạch (điểm đầu cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên hiện hữu). Chiều dài xây dựng của dự án khoảng 5,7 km.

 Hướng tuyến dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).

Về hiện trạng, diện tích sử dụng đất của dự án, theo chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt, dự án có diện tích khoảng 36,16 ha (đã bao gồm phần diện tích vuốt nối giao thông tại các xã). Dự án có chiếm dụng đất thổ cư nên có hoạt động di dân, tái định cư.

Trong đó, dự án chiếm dụng khoảng 34.712 m2 đất ở của khoảng 276 hộ, trong đó có khoảng 276 hộ phải di dời tới nơi ở mới làm ảnh hưởng tới đời sống vật chất, tinh thần của các hộ dân.

Chiếm dụng vĩnh viễn khoảng 27 ha đất nông nghiệp đang được người dân, các hộ gia đình canh tác, sản xuất (trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 25 ha đất trồng lúa, diện tích đất trồng cây lâu năm là 1,7 ha còn lại là 2.854 m2 đất trồng cây hàng năm).

Việc chiếm dụng đất (trong đó có đất kênh mương, đất trồng lúa), hoạt động hoàn trả kênh mương có khả năng gây gián đoạn khả năng tiêu thoát nước, nguồn cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động canh tác, sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực Dự án và lân cận.

Dự án cũng di dời 56 ngôi mộ làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tâm linh của các hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027

Về hướng tuyến, đoạn QL 5 kéo dài tới Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên tuân thủ theo các quy hoạch được duyệt, tuyến bắt đầu từ nút giao với đường QL 5 kéo dài tại địa phận xã Đông Hội, đi song song với sông Ngũ Huyện Khê, chủ yếu đi qua khu vực đất nông nghiệp.

Một số vị trí cắt vào nhà dân nằm rải rác dọc sông, tuyến cắt qua Đường QL 3 hiện hữu và vượt qua sông Ngũ Huyện Khê tại địa phận xã Mai Lâm, tuyến hướng về phía đường cao tốc Hà Nội Thái Nguyên, đi qua chủ yếu khu vực đất nông nghiệp và tiếp tục giao cắt với sông Ngũ Huyện Khê tại địa phận xã Dục Tú, tuyến kết thúc tại điểm giao với đường Vành Đai 3 theo quy hoạch (điểm đầu Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên hiện hữu) thuộc địa phận xã Liên Hà.  

Đoạn QL.5 kéo dài tới Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên tuân thủ theo các quy hoạch được duyệt, tuyến bắt đầu từ nút giao với đường QL 5 kéo dài tại địa phận xã Đông Hội, đi song song với sông Ngũ Huyện Khê, chủ yếu đi qua khu vực đất nông nghiệp, một số vị trí cắt vào nhà dân nằm rải rác dọc sông, tuyến cắt qua Đường QL 3 hiện hữu và vượt qua sông Ngũ Huyện Khê tại địa phận xã Mai Lâm.

Tuyến sau đó hướng về phía đường cao tốc Hà Nội Thái Nguyên, đi qua chủ yếu khu vực đất nông nghiệp và tiếp tục giao cắt với sông Ngũ Huyện Khê tại địa phận xã Dục Tú, tuyến kết thúc tại điểm giao với đường Vành Đai 3 theo quy hoạch (điểm đầu Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên hiện hữu) thuộc địa phận xã Liên Hà. 

Về quy mô, tuyến đường sẽ được giải phóng mặt bằng toàn bộ mặt cắt tuyến đường 60 m. Đây là dự án nhóm A.

Về tiến độ, tổng thời gian thực hiện dự án từ quý III/2024 đến hết năm 2027. Tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đến hết năm 2025. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ tiến hành đồng thời trên toàn tuyến. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.076 tỷ đồng.

Loạt dự án có kế hoạch triển khai năm nay tại Đông Anh

Bên cạnh dự án xây dựng tuyến đường từ đường Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (TD8), trong kế hoạch sử dụng đất huyện Đông Anh năm 2025 còn có thêm nhiều dự án hạ tầng khác.

Có thể kể đến như tuyến đường bao phía Bắc thôn Dục Tú nối từ đường Gia Lương đến trường mầm non Dục Tú; tuyến đường từ đê sông Cà Lồ đến thôn Kim Tiên; tuyến đường khu vực (NC-3) phía Nam thôn Đào Thục xã Thụy Lâm; tuyến đường cấp khu vực (N4-13) từ Khu đấu giá quyền sử dụng đất X2 Kim Chung đến thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch.

Tuyến đường cấp khu vực (N8-04) qua phía Tây Bắc thôn Vạn Lộc, xã Xuân Canh; tuyến đường cấp khu vực (N(A)-5) từ trường THPT Cổ Loa đến khu đô thị mới Đông Anh; tuyến đường khu vực (NC-4) phía Đông thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm; tuyến đường cấp khu vực (N4-14) từ Nhà máy nước Bắc Thăng Long đến Khu đấu giá quyền sử dụng đất X2, xã Kim Chung.

Tuyến đường gom dọc đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên (đoạn từ đường Lâm Tiên đến khu đấu giá Đông Nguyên Khê); tuyến đường cấp khu vực (N7-18) từ Việt Hùng đến nhà máy gạch Vigracera; nâng cấp tuyến đường trục trung tâm xã Bắc Hồn; xây dựng 2 tuyến đường gom dọc theo Quốc lộ mới (đoạn từ nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường Quốc lộ 3 mới đến hết địa phận huyện Đông Anh...

Ngoài ra, có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn cũng nằm trong kế hoạch sử dụng đất. Đơn cử như Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (hơn 265,3 ha). Dự án Thành phố thông minh của CTCP Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (271,5 ha).   

Công viên Văn hóa, Du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy của CTCP Tập đoàn Mặt trời (Sungroup) (101,1 ha. Khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh của liên danh Tập đoàn Vingroup - CTCP Đầu tư xây dựng Thái Sơn - CTCP Đầu tư và phát triển thương mại Long Hải (268 ha).

Khu nhà ở xã hội Đại Mạch (107 ha), Công viên TDTT (136 ha), Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh (119,8 ha)...

Cầu Tứ Liên vượt sông Hồng tại vị trí nằm giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân, cách cầu Long Biên khoảng 3 km về phía Thượng Lưu, cách cầu Nhật Tân khoảng 4 km về phía hạ lưu.

Dự án sẽ xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu dài khoảng 5,15 km, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Cầu chính Tứ Liên vượt sông Hồng chiều dài 1 km, bề rộng 43 m (bao gồm phần bố trí neo dây văng); Cầu vượt sông Đuống chiều dài khoảng 0,3 km, bề rộng 44 m; cầu vượt đê tả Đuống hiện tại chiều dài khoảng 0,08 km, bề rộng 35 m.

Cầu dẫn phía Tây Hồ, Long Biên dài khoảng 1,4 km có bề rộng thay đổi từ 27,5 m - 44 m; cầu dẫn phía Đông Anh (vượt trục TC13 quy hoạch) dài khoảng 0,4 km có bề rộng 35m.

Công trình hầm trên tuyến sẽ xây dựng hầm chui quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ với bề rộng xe chạy 24,5 m trên trục đường Tứ Liên tổng chiều dài phần hầm khoảng 1,3 km.

Dự án thành phần 2 - Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) có tổng mức đầu tư 15.836 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách TP Hà Nội. Dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

chọn
Hình ảnh đường 6 làn xe vừa thông xe kết nối khu đô thị hơn tỷ USD của Sun Group ở Phước Thắng, TP HCM
Đường Hàng Điều với quy mô 6 làn xe vừa hoàn thành tại phường Phước Thắng, TP HCM mới, kết nối trực tiếp tới khu đô thị gần 37.000 tỷ đồng của Sun Group đang thi công.