Khuyến cáo: Eximbank là 'trường hợp hiếm, không an toàn để đầu tư' vì liên miên tranh chấp ghế Chủ tịch, đến cuối năm vẫn chưa đại hội

Công ty Chứng khoán Bản Việt đánh giá Eximbank là trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam, và khuyến cáo nhà đầu tư tổ chức rằng cổ phiếu EIB của nhà băng này không an toàn để “gửi gắm”.

Dù Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng nhắc nhở nhưng đến nay, đã bước sang quý cuối cùng của năm song Ngân hành TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vẫn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá Eximbank là một trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam, với cổ đông biến động trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, chuyên gia của công ty chứng khoán này cũng đánh giá cổ phiếu EIB của Eximbank đang không an toàn với nhà đầu tư.

Ngân hàng bí ẩn, không an toàn để đầu tư

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho hay Eximbank là trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam, với cổ đông biến động trong 9 năm qua và hàng loạt vấn đề chưa được giải quyết.

IMG_6749

VCSC cho rằng Eximbank là trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: Quốc Minh).

Theo VCSC, các yếu tố khiến EIB trở nên hấp dẫn như với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trước năm 2012 đã không còn, vì hệ thống ngân hàng chuyển dịch khỏi mảng kinh doanh vàng, và liên tục phát triển, trong khi EIB đã thụt lùi nhiều năm. 

Một điểm đáng quan ngại khác là tình trạng không có cổ đông kiểm soát đang tiếp tục là điểm thu hút đối với các nhà đầu tư trong nước, mong muốn có nền tảng của ngân hàng nằm giữa TPBank và VPBank về mạng lưới. 

Về cổ phiếu, giao dịch EIB có đặc điểm là khối lượng thấp thông qua khớp lệnh, nhưng khối lượng giao dịch thỏa thuận nửa đầu năm 2019 lên đến 47,7% cổ phiếu lưu hành. Song song đó là tính đến nay, nội bộ cổ đông tại ngân hàng này xảy ra nhiều mâu thuẫn. Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng EIB không phải là một cổ phiếu an toàn đối với các nhà đầu tư tổ chức. 

VCSC đưa ra khuyến cáo việc đầu tư vào cổ phiếu Eximbank chỉ khả quan hơn khi các vấn đề thanh khoản và cổ đông được ổn thỏa. 

Tình hình kinh doanh không mong đợi

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng phân tích thêm về một số chỉ tiêu tài chính khác của Eximbank, để thấy tình hình kinh doanh của nhà băng này đang không như mong đợi của nhà đầu tư.

Theo đó, thu nhập lãi của Eximbank bị ảnh hưởng do tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) đang ở mức thấp, và thu nhập phí gặp khó khăn do môi trường cạnh tranh đối với dịch vụ thanh toán quốc tế, không có yếu tố nào khác kích thích tăng trưởng. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-01 lúc 16

Lợi nhuận trước thuế Eximbank trong những năm trở lại đây. (Đồ hoạ: Quốc Minh)

Giai đoạn 2015-2018, tốc độ tăng trưởng kép trung bình hàng năm của Eximbank đạt 7,1%. VCSC cho rằng tăng trưởng này ở mức thấp, và NIM trong 2 năm 2017 và 2018 đều dưới 2,5%, thấp hơn ít nhất 1 điểm % so với các ngân hàng tư nhân khác, do chi phí huy động tương đối cao.

So sánh với Sacombank, trong khi ngân hàng này có dư địa để tăng tỉ lệ cho vay/tiền gửi theo quy định từ mức 70% hiện nay để cải thiện NIM, thì tỉ lệ này tại Eximbank là 76% trong 6 tháng đầu năm 2019 so với mức trần 80%. 

Tuy nhiên, chuyên gia của VCSC cho rằng Eximbank vẫn còn dư địa cải thiện lợi suất tài sản sinh lời, bằng cách tối ưu hóa danh mục chứng khoán đầu tư. 

Về thu nhập phí, dịch vụ thanh toán của Eximbank chiếm 82% thu nhập phí ròng năm 2018 và 84% cho 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, khối lượng thanh toán quốc tế của Eximbank đạt tăng trưởng kép hàng năm là 3,6% giai đoạn 2013-2018, trong khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt tăng trưởng kép hàng năm là 12,7% trong giai đoạn này.

Con số này cho thấy sự cạnh tranh đang ngày càng gia tăng, còn thị phần của Eximbank lại có xu hướng giảm.

Đánh giá của VCSC cũng cho biết thêm dù Eximbank đã kí hợp đồng bancassurance độc quyền kì hạn 5 năm với Generali năm 2016, nhưng thị phần vẫn chỉ đạt 1,3% trong nửa đầu năm nay, và đà tăng trưởng không có không nổi trội hơn so với các ngân hàng khác. 

"Ghế nóng" xoay như chong chóng, ai đang là Chủ tịch thực sự của Eximbank?

Ngoài kết quả kinh doanh thể hiện qua các chỉ tiêu tài chính, Công ty Chứng khoán Bản Việt còn lưu ý mạng lưới chi nhánh của Eximbank trong 3 năm trở lại đây. 

Theo đó, nhà băng này hầu như không thay đổi mạng lưới chi nhánh, điều này được xem là một tín hiệu không tích cực, vì chậm chạp hơn nhiều so với các ngân hàng khác. 

Trái ngược sự phát triển mạng lưới hệ thống là sự "đổi ngôi" liên tục thành phần HĐQT từ đầu năm đến nay. Chính sự thay đổi liên tục này phản ánh mâu thuẫn giữa các cổ đông, và "ghế nóng" Eximbank vẫn chưa nhận được sự đồng thuận.

Cụ thể, cuộc chiến ghế nóng Eximbank bắt đầu từ tháng 3/2019. 

dh-hoa-15562470705711595378729-1561037958428498422746-2

Bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Lê Minh Quốc tại ĐHĐCĐ diễn ra lần 1 bất thành. (Ảnh: Kỳ Hoa).

Trước đại hội lần thứ nhất, ngày 22/3, khi bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc, Nghị quyết 112 của HĐQT Eximbank có hiệu lực từ ngày kí.

Ngay sau đó, TAND TP HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chặn nghị quyết việc Eximbank bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Minh Quốc, do ông Quốc khởi kiện.

Ngày 7/5/2019, ông Lê Minh Quốc bất ngờ uỷ quyền quyền và nghĩa vụ Chủ tịch HĐQT cho ông Ngô Thanh Tùng. Ông Tùng khi đó là thành viên HĐQT Eximbank. Sau khi được uỷ quyền, ông Ngô Thanh Tùng đã kí 2 nghị quyết về việc chấp thuận kéo dài thời gian hợp đồng lao động với Phó Giám đốc Eximbank Võ Quang Hiển và thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2, dự kiến diễn ra ngày 26/5.

Đến ngày 14/5, ông Quốc rút đơn khởi kiện bà Tú, đồng nghĩa việc Nghị quyết 112 còn hiệu lực, bà Tú sẽ là Chủ tịch HĐQT Eximbank. Tuy nhiên, ngay hôm sau, ông Quốc lại kí ban hành Nghị quyết số 231, về việc chấm dứt hiệu lực Nghị quyết số 112, tức bà Lương Thị Cẩm Tú không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT của Eximbank.

6455532928277323139663482296052549658083328n-15610924284391269347001-2

Dù đã uỷ quyền Chủ tịch cho ông Yasuhiro Saitoh, nhưng các văn bản gần đây của Eximbank vẫn do ông Cao Xuân Ninh kí tên. (Ảnh: Phúc Minh).

Trong Nghị quyết số 238, ban hành ngày 22/5, HĐQT Eximbank đã bầu ông Cao Xuân Ninh giữ chức Chủ tịch thay cho ông Lê Minh Quốc. 

Tuy nhiên, một tuần sau khi kì đại hội lần 2 bất thành, ngày 26/6, ông Cao Xuân Ninh đã ủy quyền quyền Chủ tịch cho Phó chủ tịch Yasuhiro Saitoh, với lí do không thể dung hòa được các nhóm cổ đông nội bộ trong công ty.

Đáng chú ý, trong các văn bản mới nhất của Eximbank gần đây, cụ thể là Nghị quyết được kí ngày 26/9/2019 về việc thay đổi địa điểm hoạt động của một phòng giao dịch, ông Cao Xuân Ninh vẫn là người kí tên với chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank. 

Kể từ kì đại hội bất thành gần nhất, hôm 21/6, tính đến nay, đã bước sang cuối cùng của năm, và đã nhận văn bản nhắc nhở của Ngân hàng Nhà nước, nhưng Eximbank vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, và nhiều kế hoạch kinh doanh chưa được thông qua.