'Kì lân' Trung Quốc phải bán phần lớn tài sản với giá gần 1.300 USD

Từng có mức định giá lên đến 1,4 tỉ USD cách đây hai năm, giờ đây một ứng dụng bán xe hơi cũ phải bán phần lớn tài sản với giá chưa tới 1.300 USD do tình trạng kinh doanh bết bát.

Renrenche từng là một trong những startup đình đám nhất ở Trung Quốc, nhận vốn của các tập đoàn danh tiếng như Goldman Sachs và Tencent. 

Ra đời ở Bắc Kinh vào năm 2014, Renrenche từng có mức định giá tới 1,4 tỉ USD trong một vòng gọi vốn cách đây 2 năm. 

58.com, công ty sở hữu trang rao vặt trực tuyến hàng đầu ở Trung Quốc, sẽ mua các tài sản chút chốt của Renrenche ở Hong Kong với giá 10.000 HKD (1.290 USD), đồng thời cho công ty vay ít nhất 4 triệu USD để duy trì các hoạt động ở đại lục, theo một số nguồn tin giấu tên. Mặc dù vậy, các nguồn tin cũng nói thêm với Bloomberg rằng hai bên vẫn chưa kí thỏa thuận và rất có thể họ sẽ hủy nó.

'Kì lân' bán xe hơi cũ lao dốc, bán mình với giá hơn 1.000 USD - Ảnh 1.

Giao diện trang web bán ô tô cũ của Renrenche, công ty từng có mức định giá 1,4 tỉ USD. (Ảnh: China Daily).

Một người đại diện của Renrenche từ chối bình luận về thông tin. Tuy nhiên, Bloomberg nhận định một thỏa thuận với 58.com sẽ là phao cứu sinh đối với nền tảng bán xe hơi cũ trong bối cảnh họ đang cạn tiền khi nền kinh tế chia sẻ ở Trung Quốc lâm cảnh thoái trào.

Ứng dụng của họ kết nối những người có nhu cầu mua và bán xe hơi cũ, với mức phí giao dịch thấp hơn so với phí của các đại lí bán xe.

Ngoài Goldman Sachs và Tencent, công ty còn nhận sự hỗ trợ về vốn của Didi Chuxing (hãng gọi xe lớn nhất Trung Quốc), quĩ đầu tư Redpoint và Shunwei Capital. Trong năm 2018, công ty huy động thành công 300 triệu USD trong một vòng gọi vốn.

Sự cạnh tranh với các đối thủ như Uxin và Guazi.com cùng với đại dịch COVID-19 đã nhanh chóng làm cạn nguồn tiền của Renrenche. Một trong những chủ  nợ của họ, quĩ Argyle Street Management, đang kiện Renrenche lên tòa án ở Cayman Island, nơi Renrenche đăng kí kinh doanh, đề nghị tòa ra lệnh thanh lí Renrenche vì công ty không thể trả khoản nợ 15 triệu USD.

Vụ kiện có thể cản trở thương vụ bán tài sản cho 58.com. Các nguồn tin nói một số nhà đầu tư phản đối thương vụ, song Tencent và Didi Chuxing ủng hộ. Hiện tại, theo các nguồn tin, nhóm cổ đông vẫn đang tìm những giải pháp khác để giải quyết khủng hoảng tiền mặt của Renrenche.

Nếu vụ chuyển nhượng diễn ra, nó sẽ đánh dấu một trong những thất bại ngoạn mục nhất trong giới startup Trung Quốc từ khi sự bùng nổ Internet bắt đầu cách đây một thập kỉ. Sự sa sút thần tốc của Renrenche giống hệt thất bại của các ứng dụng chia sẻ xe đạp như Mobike và Ofo, song vẫn là hiện tượng hiếm trong thời đại mà số lượng người dùng điện thoại thông minh và Internet tăng vọt.

Là trang rao vặt trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, 58.com cũng nhận vốn đầu tư của Tencent và nhiều tập đoàn khác. Hồi tháng 6, công ty đã đồng ý với một thỏa thuận bán toàn bộ tài sản và hoạt động cho một bên khác với giá 8,7 tỉ USD, gia nhập danh sách những doanh nghiệp Trung Quốc từ bỏ giấc mộng niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.