2020 là một năm đầy biến động đối với thị trường tiêu Việt Nam. Trong suốt hơn 4 năm qua, giá tiêu liên tục giảm.
Từ chỗ được coi là vàng đen của người dân khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh Đông Nam Bộ, nay trở thành gánh nặng về kinh tế của nhiều gia đình.
Còn nhớ năm 2015, khi giá tiêu có lúc lên tới hơn 200.000 đồng/kg, nhiều gia đình “đổi đời”. Tuy nhiên, đến nay, giá tiêu chỉ còn bằng 1/4, người dân đối mặt với các khoản nợ ngân hàng. Trong khi đó, chi phí cho một kg tiêu khoảng 50.000 đồng/kg.
Đó là hệ quả của việc người dân đổ xô trồng tiêu khiến diện tích gấp tới 3 lần so với qui hoạch. Cụ thể, theo qui hoạch phát triển ngành tiêu Việt Nam, đến năm 2020, diện tích ổn định ở mức 50.000 ha.
Thế nhưng, thực tế diện tích đã tăng lên 152.000 ha (tính đến năm 2019).
Những tháng đầu năm 2020, tình hình thị trường vẫn đạm khi có thời điểm giá tiêu chỉ còn khoảng 36.000 đồng/kg, tức thấp hơn nhiều giá thành sản xuất.
Tuy nhiên, một biến động lớn đã xảy đến với thị trường vào cuối tháng 5 khi giá tiêu bất ngờ tăng vọt lên tới hơn 60.000 đồng/kg, tức cao gần gấp đôi so với hồi đầu năm.
Đây được xem là hiện tượng lạ khi thực tế nhu cầu thế giới vốn đã rất thấp nay còn chịu tác động của dịch COVID-19 lại càng thấp hơn do hàng loạt nhà hàng trên thế giới phải đóng cửa.
Trong khi đó, nguồn cung thế giới vẫn còn dưa thừa, chủ yếu đến từ Việt Nam - quốc gia chiếm tới 60% thị phần trên thế giới (theo số liệu của Bộ Công Thương).
Những tưởng hiện tượng tăng giá này là tin vui đối với người nông dân nhưng thực tế đó chỉ là liều “thuốc giảm đau “ tạm thời bởi theo giới chuyên gia trên thị trường đây chỉ là đợt giá ảo.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV xuất nhập khẩu Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội tiêu Việt Nam (VPA) cho hay hiện nay thị trường đang nhiễu loạn thông tin về đầu nguyên liệu.
Theo đó, một số đại lí đang găm trữ hàng đẩy giá lên cao để kiếm lời bằng cách tung tin đồn rằng giá tiêu có thể tăng lên tới 70.000 - 80.000 đồng/kg do nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường đang tăng mạnh.
Điều này dẫn đến người nông dân không muốn bán ra do chờ giá cao hơn nữa, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc mua hàng.
"Giá tăng cao nhưng bà con không được hưởng lợi do khách hàng ở nước ngoài chỉ muốn mua ở giá cũ, còn giá mới họ không chấp nhận", ông Hiên nói.
Còn theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Công ty cổ phần Phúc Sinh, người được mệnh danh là ông "vua" trong xuất khẩu tiêu thông tin chính doanh nghiệp ông cũng gặp khó khăn khi nhu cầu trên thế giới thấp chứ không phải đang tăng mạnh như lời đồn trên thị trường.
"Rất nhiều khách hàng đã mua hàng của chúng tôi đều muốn bán ngược trở lại cho công ty. Thậm chí, một số khách hàng muốn tạm hoãn việc giao hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Bởi hiện tại. phân khúc khách hàng của họ là các nhà hàng khách sạn vốn đang phải đóng cửa", ông Thông nói.
Cũng chính vì nhu cầu thực tế trên thế giới vẫn còn thấp nên đà tăng chỉ kéo dài một tuần. Bước sang tháng 6, giá tiêu giảm trở xuống còn hơn 52.000 đồng/kg và đến tháng 8 giảm còn hơn 44.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, sự thiếu đầu tư và chăm sóc của người nông dân do giá tiêu giảm mạnh những năm gần đây, cùng với đó là biến đổi khí hậu đã đưa ra dự báo năng suất và sản lượng tiêu cả năm sẽ giảm mạnh trong năm 2021.
Điều này giúp nguồn cung, vốn đang dư thừa, được co hẹp lại và đẩy giá tiêu lên.
Đánh giá về triển vọng giá tiêu trong thời gian tới, ông Đinh Xuân Thu, Uỷ viên VPA cho biết nông dân xác định được sản lượng tiêu đang giảm trong thời gian tới do nhiều người không mặn mà với việc trồng tiêu và diện tích tiêu chết đáng kể trên cả nước.
Tuy việc tăng giá từ 40.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg diễn ra chớp nhoáng trong vài ngày cuối tháng 5 do đầu cơ nhưng nông dân hiện đang có niềm tin rất lớn vào việc giá tiêu tăng trong niên vụ 2021 sắp tới.
Do đó, việc giữ hàng, găm hàng có thể diễn ra ngay trong đầu mua thu năm 2021.
Tâm lí đầu vụ giá tiêu sẽ giảm khiến cho các công ty xuất nhập khẩu có tiềm lực kinh tế tốt tăng mua dự trữ, điều đó sẽ tạo thêm áp lực cạnh tranh mua bán trên thị trường.
Cuối cùng ông nhận định rằng giá tiêu sẽ tăng ngay trong đầu vụ năm 2021 và sẽ dao động tăng từ tháng 4/2021 đến cuối năm 2021 (có thể dao động ở mức 60.000-70.000 đồng/kg).
Trên thực tế, những tháng cuối năm, giá tiêu có dấu hiệu tăng trở lại lên mức khoảng 57.000 đồng/kg. Với mức giá này, người dân đã bắt đầu có lãi.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hạt tiêu tăng trong thời gian tới do sản lượng tại một số nước sản xuất lớn giảm. Nhiều vùng trồng hạt tiêu của Việt Nam bị ảnh hưởng do bão, trong khi lượng hàng tồn kho không còn nhiều.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dịch bệnh COVID-19 tại một số nước nhập khẩu hàng hóa (hạt tiêu, cà phê) của Việt Nam đã phần nào được khống chế.
Các hoạt động dịch vụ, du lịch, nhà hàng mở cửa trở lại, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hạt tiêu tăng lên.
Bộ khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu chế biến, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm hạt tiêu, hạn chế xuất khẩu thô, tham khảo học hỏi kinh nghiệm của Ấn Độ phát triển ngành gia vị và công nghệ chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do được kí kết trong năm 2020, trong đó có EVFTA, ngành tiêu được kì vọng rộng cửa vào các thị trường lớn.
Với Hiệp định thương mại tự do EVFTA, nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Đồng Nai sẽ được hưởng thuế suất 0% như cà phê, hạt tiêu, mật ong... khi vào thị trường châu Âu. Trong đó, hồ tiêu sạch đã có những bước đi vững vàng để đón chờ cơ hội.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý việc tham gia kí kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA đang đặt ngành hạt tiêu nước ta trước những cơ hội và thách thức mới. Trong đó, vấn đề rào cản kĩ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm cần được chú trọng.