Kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp, tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế

Chiều 18/9, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã diễn ra phiên toàn thể và toạ đàm cấp cao với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững".

Toàn cảnh thảo luận bàn tròn. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN).

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay cùng với các vấn đề mới xuất hiện năm 2022 như xung đột Nga – Ucraina khiến cho thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. 

Trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV và năm 2023. 

Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 nhưng cũng đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam.

Thực tế, với độ mở kinh tế lớn trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta rất lớn.

Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước… 

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành phát biểu. (Ảnh: An Đăng - TTXVN).

Theo Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành, để lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ là rất phức tạp, khó khăn thách thức. Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Thời gian qua, Việt Nam đã quyết định dựa nhiều vào chính sách tài khóa, ngay cả việc hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng, nguồn tiền hỗ trợ đều nhờ ngân sách, chưa cần dùng đến chính sách tiền tệ. Việc lựa chọn này là hợp lý, do chính sách tài khóa khi ít gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định.

Kết quả khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách 8 tháng qua tăng cao. Chính phủ cần tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ. 

Theo PGS, TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, rủi ro lạm phát vẫn đang hiện hữu với việc giá mọi yếu tố đầu vào đều tăng cao nên việc sử dụng đồng thời cả chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ mở rộng sẽ tạo ra sức ép lớn với tăng giá. Thời gian tới, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả và tổng cầu để kịp thời điều chỉnh chính sách khi cần thiết.

Đối với việc thực hiện chính sách tài khoá cần xem xét điều chỉnh các gói hỗ trợ không còn phù hợp với bối cảnh mới. Nguyên tắc chung là đơn giản về quy trình, dễ xác định đối tượng hưởng lợi và không tạo ra cơ hội cho tham nhũng chính sách.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực phát biểu. (Ảnh: An Đăng - TTXVN).

Về lâu dài, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, cần có các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, từ đó phát huy thuận lợi, cơ hội và hạn chế tối đa rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững.

Theo đó, sớm xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững.

Trước đó, sáng cùng ngày, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 đã diễn ra 2 phiên hội thảo chuyên đề với nội dung "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao  động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững"; và "Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội". 

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.