Tháng 7/2021, khi các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu bác bỏ những quan ngại về lạm phát, Ngân hàng trung ương Chile đã hành động.
Lo ngại lạm phát sẽ tăng cao, các nhà hoạch định chính sách Chile đã bỏ phiếu nhất trí nâng lãi suất từ 0,5% lên 0,75%. Nước này kể từ đó đã liên tục tăng lãi suất, vượt xa kỳ vọng của các nhà đầu tư và đưa lãi suất chính sách lên mức 11,25%. Có lẽ không có ngân hàng trung ương nào khác kiên quyết theo đuổi việc ổn định giá cả như vậy.
Đến bây giờ, liệu những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Chile đã được đền đáp? Câu trả lời là hầu như chưa. Trong tháng 9, giá cả ở Chile đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thước đo ưa thích của Ngân hàng trung ương Chile là lạm phát cơ bản đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo tạp chí The Economist (Anh), câu chuyện của Chile cho thấy một vấn đề lớn hơn. Nhiều chuyên gia nói rằng giá như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương khác "đi trước đón đầu" bằng cách nhanh chóng tăng lãi suất từ năm ngoái, thế giới sẽ không phải vật lộn với môi trường lạm phát cao như hiện nay.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của Chile và những nơi đã sớm thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt đã làm dấy lên sự nghi ngờ đối với lập luận đó. Trên toàn thế giới, việc kiềm chế giá cả là cực kỳ khó khăn.
The Economist đã thu thập dữ liệu về Chile và 7 quốc gia khác có ngân hàng trung ương bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ ít nhất từ một năm trước. Những ngân hàng này đã làm như vậy sau khi giảm lãi suất xuống mức thấp nhất mọi thời đại ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Nhóm này bao gồm Brazil, Hungary, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, Peru và Ba Lan.
Gọi nhóm này là "Hikelandia". Trong năm tính đến tháng 10/2022, nhóm này đã tăng lãi suất trung bình khoảng 6%. Nếu như dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 2/11 tới thì mức tăng tích lũy của Mỹ trong năm qua cũng không lớn bằng.
Không có gì ngạc nhiên khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến các nền kinh tế Hikelandia chậm lại. Khu vực nhà ở đã trở nên hết nóng khi lãi suất thế chấp tăng lên. Giá nhà đang giảm ở New Zealand. Song song với đó, xu hướng bùng nổ thị trường nhà ở do đại dịch tại Hàn Quốc đã kết thúc.
Sử dụng dữ liệu về "chỉ báo hoạt động hiện tại", một thước đo sức mạnh kinh tế theo thời gian thực của ngân hàng Goldman Sachs, The Economist nhận định các kinh tế Hikelandia đang yếu đi so với trung bình toàn cầu. Và tình hình vẫn tiếp tục theo chiều hướng xấu. Ngân hàng trung ương Chile dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm trong năm tới, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Các ngân hàng trung ương thường tập trung vào tỷ lệ lạm phát "cốt lõi", không bao gồm các thành phần dễ biến động như giá năng lượng và lương thực, qua đó phản ánh tốt hơn áp lực lạm phát trong nước.
Tháng 9, lạm phát cơ bản của các nền kinh tế Hikelandia là 9,5% (so với cùng kỳ năm trước), tăng 3,5% so với hồi tháng Ba. Tệ hơn nữa, khoảng cách giữa lạm phát cơ bản toàn cầu và lạm phát cơ bản của Hikelandia dường như đang nới rộng ra chứ không phải thu hẹp lại.
Đi sâu vào các số liệu thống kê quốc gia của Hikelandia, các xu hướng càng trở nên đáng lo ngại hơn. Tiền lương của Chile tiếp tục tăng nhanh. Trong tháng 9, lạm phát của Hàn Quốc trong lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động là 4,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000. Trong sáu tháng qua, lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ của Hungary đã tăng từ 7,2% lên 11,5%.
Trong nội bộ nhóm này, lạm phát đang trở nên "phân tán" hơn, ảnh hưởng đến nhiều loại hàng hóa và dịch vụ hơn. Trong tháng 9, giá của 89% các thành phần trong rổ lạm phát của Na Uy đã tăng trên 2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với con số chỉ 53% thành phần của 6 tháng trước đó. Trong nghiên cứu về Ba Lan, được công bố vào cuối tháng Chín, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đã tìm thấy bằng chứng cho thấy "lạm phát cơ bản đã tăng trở lại".
Cuộc đấu tranh của Hikelandia nêu lên ba khả năng. Thứ nhất, việc hy vọng lạm phát giảm trong thời điểm hiện tại là không thực tế. Nghiên cứu cho thấy rằng thường có độ trễ, đôi khi kéo dài, của việc chính sách tiền tệ thắt chặt hơn dẫn đến lạm phát thấp hơn.
Việc kiểm soát lạm phát cũng rất khó khi hầu hết mọi đồng tiền đều giảm giá so với đồng USD, khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Tất cả điều này có thể đúng. Do đó, việc giá cả liên tục tăng cao đang khiến giới quan sát nghi ngờ khả năng lạm phát của nhóm Hikelandia sẽ sớm ở đâu đó gần với mục tiêu của các ngân hàng trung ương, ngay cả khi các điều kiện bắt đầu được cải thiện.
Khả năng thứ hai là các nhà hoạch định chính sách, bao gồm cả những người ở Hikelandia, đã không đủ can đảm. Có lẽ các ngân hàng trung ương nên tăng lãi suất mạnh hơn. Đây là lập luận của "Những chàng trai Chicago" còn lại của Chile, những nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do, những người đã dẫn đầu công cuộc cải cách thị trường tự do của nước này những năm 1970.
Các chính phủ cũng có thể làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ. Sau khi tăng chi tiêu khi đại dịch xảy ra, thâm hụt ngân sách trung bình ở Hikelandia đã giảm xuống, nhưng vẫn ở mức cao là 3% GDP. Việc tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu công sẽ giúp giảm nhu cầu.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng có rủi ro. Thực hiện thắt lưng buộc bụng trong thời kỳ khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ không được người dân ủng hộ. Và Chile, dù đã cắt giảm chi tiêu và được dự báo sẽ thặng dư ngân sách trong năm nay, vẫn chưa nhận thấy lạm phát thấp hơn.
Điều đó dẫn đến khả năng thứ ba - và là khả năng đáng lo ngại nhất. Có lẽ đơn giản là lạm phát khó ngăn chặn hơn bất kỳ ai có thể dự đoán một năm trước. Trong một báo cáo được công bố vào mùa Hè, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã ám chỉ khả năng này.
Trong một "chế độ lạm phát thấp", không ai quan tâm nhiều đến giá cả khi người ta chắc chắn rằng chúng không tăng nhanh. Tuy nhiên trong một "chế độ lạm phát cao", chẳng hạn như trong những năm 1970, các hộ gia đình và doanh nghiệp bắt đầu theo dõi lạm phát chặt chẽ, dẫn đến việc "những thay đổi hành vi có thể bảo vệ lạm phát".
Bài viết trên The Economist cho rằng nếu thế giới đã chuyển từ chuẩn mực này sang chuẩn mực khác, thì sẽ cần nhiều công cụ sáng tạo hơn để hạ nhiệt giá cả.