Báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR cho thấy, nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi rất tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cấn đối lớn. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn.
Trong đó, thách thức lớn nhất là cân bằng giữa mục tiêu ổn định vĩ mô, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát với các mục tiêu duy trì tăng trưởng.
Bất ổn địa chính trị toàn cầu, các quốc gia hiện thực thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất dẫn đến các khó khăn cho sản xuất lẫn tiêu dùng do đó có nguy cơ dẫn đến mất việc làm, giảm đầu tư và rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế.
Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hoá trong nước.
Điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.
Xuất khẩu đối với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thuỷ sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tổn kho gia tăng.
Dự báo lạm phát cuối năm 2022, VEPR cho rằng, mặc dù hiện tại lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm. Căng thẳng chính trị tại Ukraine vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với lạm phát và giá cả hàng hoá của Việt Nam. Xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu có thể giúp giảm nhẹ áp lực lạm phát từ bên ngoài. Chính sách Zero Covid-19 tại Trung Quốc kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu.
Tuy nhiên áp lực lạm phát dự báo có thể giảm bớt trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và giá lượng thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện. Tổng hợp tác động của các yếu tố cả trong và ngoài nước, VEPR dự báo lạm phát trong nước năm 2022 ở mức 3,5 - 3,8%.
Tham gia góp ý, bình luận thêm tại toạ đàm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2023 sẽ nhiều khó khăn, thách thức hơn với áp lực lạm phát có thể tăng cao hơn, tới mức 4 - 4,5%. Một trong các nguyên nhân là do lạm phát tại các nước vẫn còn cao, trong khi kinh tế Việt Nam có độ trễ nhất định.
Đồng tình với nhận định này, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho biết, tình hình kinh tế năm nay “tạm ổn”, tăng trưởng GDP thậm chí sẽ vượt mức 6,5%, lạm phát dưới 4%.
“Vấn đề là năm sau sẽ như thế nào?”, TS. Ánh đặt câu hỏi.