6 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế thế giới và Việt Nam xen lẫn nhiều mảng sáng tối. TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, từ cuối tháng hai, xung đột Nga - Ukraine đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của kinh tế thế giới, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu.
Giá cả hàng hóa - dịch vụ tăng mạnh tại hầu hết các nước, buộc các nước phải đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Đà phục hồi kinh tế năm 2022 ngày càng gập ghềnh hơn và có thể đối mặt với nguy cơ đình lạm cục bộ.
Dự báo mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 2,9% (năm trước mức tăng trưởng là 6,1%), trong khi lạm phát bình quân toàn cầu dự báo tăng mạnh, ở mức khoảng 6,2 - 6,4% (so với mức 4,7% năm trước). Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực tại nhiều nước trên thế giới ngày càng rõ nét.
Đối với Việt Nam, nửa đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội đã được khôi phục gần như trước đại dịch. Tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt 7,72%, là mức tăng trưởng quý II cao nhất từ năm 2011 đến nay. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 5,64% cùng kỳ năm trước, gần bằng mức tăng 6,76% cùng kỳ năm 2019 và cao hơn mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 01 (5,1 - 5,7%). Xuất, nhập khẩu, giải ngân vốn FDI tăng trưởng tích cực.
Tuy nhiên, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng khoảng 0,51% chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng. Một trong những nguyên nhân là do sức ép lạm phát tăng lên.
Lạm phát gia tăng là một trong những thách thức của kinh tế Việt Nam. CPI tháng 6 đã tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,12% so với cuối năm 2021. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% (cao hơn mức 2,25% của 5T/2022 và mức 1,62% của 6T/2021), chủ yếu là do của giá cả xăng dầu, khí đốt, nguyên vật liệu, logistics và nhu cầu du lịch, ăn uống, đi lại… đều tăng.
Lạm phát cơ bản tăng 1,25% (cao hơn mức 1,1% của 5T/2022 và mức 0,87% của 6T/2021) cho thấy lạm phát tăng do yếu tố giá cả trong điều kiện vòng quay tiền vẫn ở mức thấp (chỉ khoảng 0,4 lần trong 6T/2022).
Triển vọng 6 tháng cuối năm, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và các hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc. Theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP cả năm 2022 dự kiến ở mức 6 - 6,5%; thậm chí nhiều khả năng có thể đạt 6,5 - 7% trong kịch bản tích cực.
Với kịch bản tiêu cực, nếu rủi ro bên ngoài gia tăng, dịch bệnh bùng phát trở lại; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 chậm triển khai; các động lực tăng trưởng không được thúc đẩy mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam năm 2022 dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 5,5 - 6%.
Đáng chú ý, dự báo 6 tháng cuối năm, giá cả, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao. Đà phục hồi kinh tế, sức cầu và vòng quay tiền trong nước cải thiện hơn. Chỉ số CPI 6 tháng cuối năm dự báo sẽ cao hơn nửa đầu năm. Dự báo lạm phát cả năm ở mức 3,8 - 4,2%. TS Cấn Văn Lực cho rằng lạm phát có thể sẽ cao hơn mức mục tiêu 4% song đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh và Việt Nam cần ưu tiên phục hồi kinh tế.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) với các hội viên là những nhà môi giới bất động sản đang hoạt động, có tới 83% số người được hỏi cho rằng nên đầu tư bất động sản như một công cụ đối phó với lạm phát. Trong tình hình vĩ mô diễn biến phức tạp và khó dự đoán, hầu hết các nhà môi giới được hỏi (90%) cho rằng giá căn hộ sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, chỉ 53% tin rằng giao dịch bất động sản sẽ sôi động trong thời gian tới.
VARS cho biết, chỉ sau một tuần mở lại kênh huy động vốn tín phiếu - bắt đầu từ 21/6 - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút về lượng tiền hơn 85.000 tỷ đồng. Tín hiệu này cho thấy tình hình thắt chặt tiền tệ trong tương lai không xa, dù NHNN cho biết sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm nay. Đây cũng là viễn cảnh được nhiều chuyên gia dự báo, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu rục rịch tăng lãi suất trước sức ép lạm phát toàn cầu. Giai đoạn tiền rẻ thực sự đã qua đi. Dòng tiền đang cân nhắc với các kênh đầu tư, ngay cả các kênh truyền thống như bất động sản, chứng khoán, vàng… Nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức buộc phải thận trọng hơn nữa với các quyết định rót tiền ra.
Tuy nhiên, với bất động sản, lạm phát càng thúc đẩy tâm lý mua bất động sản để trú ẩn dòng tiền. Các nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu bất động sản càng có nhu cầu nắm giữ tài sản thay vì bán ra và thu tiền mặt.
Trong khi đó, thời gian qua, chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan chức năng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đã khiến nguồn cung trên thị trường chững lại. Thống kê của VARS cho thấy, hầu hết căn hộ chung cư được chào bán trong nửa đầu năm đều là từ các dự án đã chào bán trước đó, tình hình cấp phép dự án mới rất hạn chế.
Nói về vấn đề này tại tọa đàm do Batdongsan.com.vn tổ chức ngày 7/7, TS Cấn Văn Lực cho biết, lạm phát cao sẽ tác động nhiều đến thị trường bất động sản. Các quốc gia trên thế giới đã buộc phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 80 quốc gia nâng lãi suất. Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ vay tăng lên, tỷ giá tăng lên, đồng tiền nội tệ của các nước mất giá…
Song song với đó, giá cả các mặt hàng tăng lên, thậm chí có hiện tượng "té nước theo mưa". Nhà đầu tư có tâm lý "phòng thủ", tiết giảm chi tiêu và đầu tư, từ đó kinh tế giảm đà hồi phục.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực với thị trường bất động sản, nhà đầu tư sẽ quay về các kênh đầu tư an toàn. Có thể thấy, xu hướng đã thay đổi rất rõ thời gian gần đây. Một số người cho rằng đây là thời điểm tốt để mua bất động sản.
"Đây là kênh để đầu tư trú ẩn, chờ thời trong bối cảnh thị trường nhiều rủi ro. Cho nên, lúc này lại thuận lợi hơn cho những người đầu tư dài hạn", TS Cấn Văn Lực nhận định.
Tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững tổ chức ngày 14/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, ưu tiên hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đạt mức tăng trưởng theo chỉ tiêu Quốc hội giao; trong đó thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng, cần đảm bảo thị trường tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.