"Trong 6 tháng qua, số lượng sản phẩm nhà ở chào bán thành công tại thị trường Hà Nội cao hơn rất nhiều so với số lượng mở bán mới", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám Đốc - Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam chia sẻ tại buổi công bố tiêu điểm thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội quý II/2022 được tổ chức sáng ngày 5/7.
Trong nửa đầu năm, Hà Nội có 8.200 căn hộ chung cư mở bán mới, tăng 3% so với cùng kỳ. Có 15 dự án được mở bán mới, trong đó có ba dự án lần đầu được chào bán ra thị trường.
Tuy nhiên, doanh số bán hàng tiếp tục vượt nguồn cung, ghi nhận 10.800 căn, phần lớn là sản phẩm được chào bán giai đoạn cuối 2021 và đầu 2022. Các dự án nằm trong khu đô thị tiếp tục cho thấy mức độ hấp thụ tốt. Lượng hàng tồn kho ở Hà Nội cũng có xu hướng giảm so với năm 2021.
Đối với phân khúc nhà liền thổ, trong nửa đầu năm, Hà Nội có 5.849 căn từ 5 dự án được mở bán mới, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Riêng trong quý II, thị trường ghi nhận 5.553 căn mở bán mới từ 4 dự án, chủ yếu đến từ The Empire - Vinhomes Ocean Park.
"Mặc dù lượng sản phẩm mở bán mới tăng khá cao, song mức độ hấp thụ vẫn rất tốt, nhu cầu nhà liền thổ của nhà đầu tư là rất lớn", theo ông Kiệt.
Còn tại TP HCM, thị trường này vốn đã trải qua một thời gian dài nguồn cung sụt giảm mạnh. Theo thống kê của CBRE, những năm qua số lượng sản phẩm bán thành công đều cao hơn số lượng chào bán mới.
Trong nửa đầu năm nay, mức độ hấp thụ của thị trường TP HCM thấp hơn so với số lượng chào bán mới. Tuy nhiên, lý do là bởi cuối quý II vừa qua, nguồn cung tại TP HCM tăng đột biến khi đón hơn 12.000 sản phẩm căn hộ cao cấp, do đó nguồn cầu chưa kịp hấp thụ.
Phân khúc nhà liền thổ tại TP HCM những năm gần đây chứng kiến sự giảm đều, nguồn cung rất thấp, bởi TP HCM hiện nay quỹ đất rất hạn chế, các chủ đầu tư chỉ tập trung phát triển các sản phẩm căn hộ.
"Tính chung toàn thị trường, lượng sản phẩm bán ra thành công trong nửa đầu năm 2022 đã bằng 84% so với cả năm 2021. Nguồn cung và nguồn cầu năm nay sẽ cao hơn so với năm trước. Nhìn ở mặt tích cực, thị trường đang có xu hướng phục hồi", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhìn nhận.
Là hai phân khúc chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh kéo dài, song thị trường văn phòng và thị trường bán lẻ nửa đầu năm đã bắt đầu ghi nhận nhu cầu tăng cao.
Bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám đốc CBRE cho hay, trong quý II, nhu cầu mở rộng và di dời văn phòng chiếm 82% tổng lượng giao dịch tại Hà Nội. Các ngành chủ chốt như công nghệ thông tin, tài chính chiếm 37% tổng lượng giao dịch.
"Nừa đầu năm, Hà Nội chỉ ghi nhận 5.000 m2 nguồn cung mới văn phòng đến từ một dự án hạng A. Dù nguồn cung mới hạn chế, song tỷ lệ hấp thụ vẫn đạt hơn 20.000 m2, phần lớn đến từ dự án Capital Place.
CBRE đã ghi nhận nhiều công ty bất động sản địa phương mở văn phòng mới tại Hà Nội. Thị trường Co-working space đóng góp 17% tổng lượng giao dịch.
Số lượng các yêu cầu hỏi thuê và khảo sát địa điểm mà CBRE nhận được cũng cao hơn 40% so với quý trước, với nhu cầu chủ yếu là văn phòng 300 - 1.000 m2, phần lớn đến từ các công ty nước ngoài. Trong nửa cuối năm, nhu cầu mạnh mẽ dự kiến sẽ tiếp tục đảm bảo tỷ lệ hấp thụ ổn định", bà Hằng chia sẻ.
Thị trường bán lẻ quý vừa qua cũng chứng kiến hoạt động mở rộng sôi nổi của các nhà bán lẻ ở cả Hà Nội lẫn TP HCM. Tại Hà Nội, một số tên tuổi lớn như Hublot, Muji, Beauty Box, Lyn... đã khai trương các cửa hàng mới ở Aeon Mall Hà Đông và các trung tâm thương mại của Vincom.
CBRE dự báo, trong thời gian tới nhu cầu thuê tại các vị trí đắc địa sẽ tiếp tục được duy trì. Các gian hàng cho thuê ở khu vực trung tâm thành phố và dọc các tuyến phố chính sẽ được săn đón mạnh mẽ.
"Trong nửa đầu năm, nhu cầu hỏi thuê đất công nghiệp và kho xưởng đến CBRE lần lượt tăng 10% và 7% so với cùng kỳ", ông Hiếu Lê, Trưởng bộ phận tư vấn giao dịch - Văn phòng cho thuê, khu công nghiệp và hậu Cần của CBRE Việt Nam cho biết.
Hai quý đầu năm, thị trường BĐS công nghiệp ghi nhận nhiều giao dịch có quy mô lớn trên 10 ha, đến từ các ngành kho vận (logistics), sản xuất nội thất và năng lượng mặt trời. Bên cạnh các thị trường cấp 1, nhiều giao dịch lớn cũng được ghi nhận ở các thị trường cấp 2 như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh.
Theo chuyên gia CBRE, với sự hoàn thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng như các tuyến đường vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 tại Hà Nội, các tuyến cao tốc,... nguồn cầu tìm về thị trường KCN sẽ còn tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Kể từ khi bước vào giai đoạn bình thường mới, thị trường BĐS đã có nhiều chuyển biến. Nguồn cung bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, mức giá cũng có sự thay đổi lớn.
Mặc dù vậy, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều dự thảo, chính sách, kế hoạch nhằm kiểm soát vấn đề đầu cơ, kiểm soát tín dụng và thắt chặt dòng tiền vào bất động sản, bên cạnh đó là các dự thảo liên quan đến căn hộ chung cư...
Điều này đã tạo nên tâm lý trái chiều trên thị trường, khiến không ít nhà đầu tư cá nhân băn khoăn, rằng BĐS liệu có còn là kênh đầu tư đáng tin cậy hay không.
Trước vấn đề này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, BĐS vẫn sẽ là kênh đầu tư mà nhà đầu tư ưu tiên tập trung trong thời gian tới.
"Trong hội thảo của Forbes diễn ra cách đây gần 1 tháng, hầu hết các nhà đầu tư tham dự đều đồng tình rằng BĐS vẫn là kênh đầu tư mang tính ổn định cao nhất và an toàn nhất, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại lạm phát được dự báo ở mức cao, các nhà đầu tư muốn chuyển tiền mặt trở thành tài sản.
Bên cạnh BĐS, các kênh như chứng khoán, vàng, lãi tiết kiệm có những sự thay đổi rất lớn. Đơn cử như chứng khoán, trước đây là một kênh thu hút hầu hết dòng tiền trên thị trường, nhưng hiện tại đang trầm lắng nhất, các nhà đầu tư đang chuyển tiền vào các kênh khác.
Trong khi đó, dòng tiền liên quan BĐS vẫn duy trì tương đối ổn định xuyên suốt mùa dịch. Theo tôi, trong thời gian tới, đây vẫn là một trong số những kênh được nhà đầu tư ưu tiên tập trung vào", theo góc nhìn của chuyên gia CBRE.