Kinh tế Nhật Bản có thể phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm 2021

Các chuyên gia dự báo nền kinh tế Nhật Bản có thể phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2021, với hoạt động tiêu dùng dự kiến sẽ khởi sắc khi tác động của đại dịch COVID-19 giảm bớt.
Kinh tế Nhật Bản có thể phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Kinh tế Nhật Bản có thể phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm 2021. (Ảnh: Reuters).

Nhưng nếu tình hình diễn biến không lạc quan như dự kiến, kịch bản phục hồi của Nhật Bản có thể phức tạp hơn.

Theo cuộc khảo sát 35 nhà kinh tế do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản tiến hành, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 3,42% trong năm tài chính 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022) sau khi giảm 5,37% trong tài khóa hiện hành (kết thúc vào tháng 3/2021).

Nếu dự báo trên thành hiện thức, đây sẽ là sự đảo ngược từ mức suy giảm tồi tệ nhất lên mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm tài chính 1995 – thời điểm các số liệu so sánh loại này bắt đầu được công bố.

Giới chuyên gia cho rằng hoạt động chi tiêu sẽ tăng tốc khi vaccine ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi vào mùa Hè, cũng như nếu Thế vận hội Tokyo và Paralympic diễn ra vào tháng 7/2021 như kế hoạch hiện tại.

Viện nghiên cứu NLI đã ước tính rằng việc Thế vận hội bị hoãn lại sẽ chuyển nhu cầu chi tiêu trị giá 2.000 tỷ yen sang cho năm tài chính tới. Itochu Research cũng nhận định việc tổ chức thành công Thế vận hội sẽ không chỉ thúc đẩy chi tiêu cá nhân mà còn củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng của Nhật Bản cho năm 2021 lên 2,3%, viện dẫn rằng Thế vận hội mùa Hè năm tới sẽ "tạm thời thúc đẩy tiêu dùng."

Bên cạnh đó, Thủ tướng Yoshihide Suga đã cam kết sẽ mua đủ vaccine đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của Nhật Bản vào nửa đầu năm 2021.

Ông Toshihiro Nagahama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết nếu việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 nhanh như dự kiến, các hoạt động dịch vụ như giải trí, vận tải và du lịch sẽ là được hưởng lợi đáng kể khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ.

Mặt khác, nếu việc tiêm chủng bị chậm tiến độ thì sẽ đe dọa cho những nỗ lực tổ chức Thế vận hội và hoạt động tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản sẽ tiếp tục bị đình trệ.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đưa nền kinh tế trở lại mức trước đại dịch COVID-19 với sự trợ giúp từ các biện pháp kích thích trong năm tài chính tới. Cũng theo ước tính của Tokyo, nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng 4% trong năm tài chính tới.

Nhưng các nhà kinh tế nhận định quan điểm này có vẻ quá lạc quan. Thậm chí, sự bùng phát gần đây của dịch COVID-19 có thể ngăn chặn đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản vào đầu năm 2021.

Việc số ca mắc COVID-19 mới tại Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục đã buộc chính phủ nước này phải tái áp đặt những hạn chế kinh doanh và đi lại để phòng dịch bệnh. Một số nhà kinh tế cho biết các biện pháp chống dịch này đang làm tăng thêm bất ổn cho kinh tế Nhật Bản, bên cạnh những tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch COVID-19 đối với thị trường việc làm và thu nhập.

Ông Shinichiro Kobayashi, nhà kinh tế cấp cao của công ty tư vấn tài chính Mitsubishi UFJ Research and Consulting Co. cho hay nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng, các công ty sẽ phải chuẩn bị cho tình trạng thu nhập thấp kéo dài. Họ có thể phải điều chỉnh hệ thống nhân viên, cắt giảm lương thưởng. Trong trường hợp xấu nhất, một số có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá sản.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.