Phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị về chính sách kinh tế, ông Tập nói Trung Quốc nên tăng tốc mô hình tăng trưởng "lưu thông kép" (dual circulation), tập trung vào thúc đẩy sản lượng trong nước đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài và ổn định thương mại, tờ Tân Hoa Xã đưa tin ngày 30/7.
Theo Bloomberg, dữ liệu công bố hôm 31/7 cho thấy triển vọng của ngành sản xuất Trung Quốc đã được cải thiện liên tiếp trong tháng 6 và tháng 7.
Trung Quốc sẽ tổ chức một loạt cuộc họp chính trị cấp cao trong thời gian sắp tới để vạch ra lộ trình phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp vào tháng 10 để phác thảo kế hoạch 5 năm tiếp theo và vạch ra tầm nhìn xa hơn cho tới năm 2035, tờ Tân Hoa Xã cho biết.
Về mặt ngắn hạn, giới lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ sự hài lòng khi thấy tốc độ tăng trưởng dần phục hồi. Tuy nhiên trong dài hạn, kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với rất nhiều rắc rối, bao gồm xung đột với Mỹ.
Lưu thông kép là chiến lược của Bắc Kinh nhằm xoay sở trong thế giới mới. Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Bank giải thích chiến lược này có nghĩa là "ưu tiên hàng đầu cho thị trường nội địa".
"Việc triển khai chiến lược này vẫn chưa thực sự rõ ràng trong giai đoạn hiện tại, nhưng ý tưởng chung là thắt chặt sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài", ông Hu cho biết.
Tập trung vào thị trường nội địa có thể là chiến lược đúng đắn cho các doanh nghiệp Trung Quốc, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Để minh chứng, Huawei đã vượt qua đối thủ Samsung của Hàn Quốc để trở thành hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới trong quí II nhờ vào thị trường nội địa.
Theo CNBC, từ tháng 4 - tháng 6, phần lớn điện thoại của Huawei được bán trong nước còn doanh số nước ngoài thì lao dốc. Đây là lần đầu tiên Huawei giành vị trí quán quân về số lượng điện thoại thông minh bán ra trong một quí.
Cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 30/7 hầu như giữ nguyên lập trường chung cho chính sách tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, cuộc họp nhấn mạnh rằng chính sách phải xác định mục tiêu rõ ràng hơn, đồng thời kêu gọi giảm chi phí tài trợ cho nền kinh tế thực và duy trì tăng trưởng tín dụng hợp lí.
Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley ở Hong Kong viết trong báo cáo: "Bắc Kinh xác nhận sẽ vẫn hỗ trợ nền kinh tế: tiếp tục tung ra kích thích tài khóa, chính sách tiền tệ trung lập. Bắc Kinh nhấn mạnh đến các sáng kiến cấu trúc để đối phó với thách thức bên ngoài chứ không chỉ là Covid-19: tập trung vào thị trường nội địa, tăng tốc độ đô thị hóa và mở cửa nền kinh tế".
Theo số liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - (PMI) chính thức trong tháng 7 của nước này đã tăng lên 51,1 so với 50,9 trong tháng 6.
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà phục hồi trong bối cảnh các khoản đầu tư do chính phủ dẫn dắt bắt đầu đi vào hoạt động và nhu cầu toàn cầu phục hồi. Các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 2% trong cả năm 2020.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng tránh tạo ra bong bóng trên thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất, cũng như kiềm chế nợ. Tổng nợ của Trung Quốc hiện đã vượt quá 2,5 lần GDP, theo thông tin từ Bloomberg.
Nội dung cuộc họp hôm 30/7 kêu gọi sự tăng trưởng cân bằng hơn với các nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng, tăng tính ổn định và khả năng cạnh tranh của chuỗi cung ứng, giúp đỡ người trẻ tuổi và người di cư từ nông thôn tìm được việc làm.
Hồi đầu tuần này, ông Tập khẳng định Trung Quốc sẽ vượt qua được đại dịch COVID-19 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2020.
Kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập: "Chúng ta có ý chí mạnh mẽ, quyết tâm cứng rắn và sức mạnh vững chắc để đương đầu với các thách thức. Chúng ta cũng có đủ động lực, năng lực và trí tuệ để vượt qua mọi rủi ro và thử thách. Không quốc gia hay cá nhân nào có thể cản trở sự hồi sinh vĩ đại của đất nước chúng ta".