Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW) vừa công bố báo cáo tài chính quí II với doanh thu thuần 7.708 tỉ đồng, giảm 22% so với cùng kì năm trước, chủ yếu do giảm doanh thu bán điện.
Giá vốn giảm 25% khiến lợi nhuận gôp giảm nhẹ 2%, còn 1.337 tỉ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 13,8% lên 17,3% trong quí này.
Doanh thu tài chính tăng 127% lên 274 tỉ đồng do tăng lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỉ giá. Trái lại, chi phí tài chính giảm 38% còn 243 tỉ đồng.
Trong kì, chi phí quản lí doanh nghiệp đạt 426 tỉ đồng, tăng 205 tỉ đồng so với quí II/2019 do công ty tăng trích lập dự phòng.
Kết quả, PV Power báo lãi sau thuế 842 tỉ đồng, trong đó lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 735 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kì năm trước.
Lũy kế 6 tháng, Tổng công ty ghi nhận 15.683 tỉ đồng doanh thu thuần và 1.347 tỉ đồng lãi sau thuế, tương ứng giảm 14% và 21% so với nửa đầu năm 2019.
So với kế hoạch doanh thu thuần 35.350 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.044 tỉ đồng được ĐHĐCĐ năm 2020 giao phó, sau nửa đầu năm, PV Power thực hiện 44% chỉ tiêu doanh thu và 66% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 30/6, qui mô tài sản của POW đạt 57.020 tỉ đồng, tăng 1.325 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 25% lên 6.363 tỉ đồng. Hàng tồn kho 2.100 tỉ đồng, tăng 670 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm, chủ yếu đến từ tăng giá trị tồn kho nguyên vật liệu.
Tương tự, các khoản phải thu ngắn hạn tăng hơn 1.100 tỉ đồng, nguyên nhân do các khoản phải thu từ Công ty Mua bán Điện (EVN/EPTC) tăng hơn 1.300 tỉ đồng.
Điểm tích cực là khoản nợ xấu của EVN/EPTC giảm 240 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm, còn 1.538 tỉ đồng, trong đó giá trị khó có thể thu hồi là 624 tỉ đồng.
Liên quan đến công nợ tồn đọng của Công ty Mua bán điện, tại cuộc họp ĐHĐCĐ 2020 vừa qua, Chủ tịch HĐQT PV Power Hồ Công Kỳ cho biết hiện Tổng công ty đã báo cáo lên PVN, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (SCIC) và Thủ tướng về công nợ khó đòi giữa Tổng công ty và EVN/EPTC, đồng thời chờ đợi quyết định cuối cùng từ phía cơ quan quản lí.
Tại phía nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 632 tỉ đồng so với đầu năm, còn 16.919 tỉ đồng và chiếm 1/3 cơ cấu nguồn vốn.