Lãi suất cho vay vẫn cao - góc nhìn từ doanh nghiệp

Những tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp. Không những thế, lãi suất cho vay vẫn cao vào đúng giai đoạn, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp trông đợi mặt bằng lãi suất thấp để có thể vượt qua đại dịch Covid-19…
Lãi suất cho vay vẫn cao - góc nhìn từ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, có gần 60.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ. Như vậy, trung bình mỗi tháng gần 12.000 doanh nghiệp phải dừng “cuộc chơi” (tương đương mỗi ngày 400 doanh nghiệp).

Rõ ràng, doanh nghiệp đang phải chống chịu những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 mang lại. Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn vì lãi suất ngân hàng vẫn cao so với sức khỏe và khả năng của doanh nghiệp.

Đại diện Tổng công ty Du lịch và Thương mại Sông Hồng cho rằng, doanh nghiệp vận tải nước ngoài chỉ phải chịu lãi suất 3%/năm, trong khi lãi suất mà đơn vị này đang phải trả ngân hàng cho khoản vay trung và dài hạn lên tới 10-11%/năm.

Một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội với hơn 200 xe kinh doanh cũng phàn nàn, trong suốt gần 2 năm kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng. Cầm cự trong suốt thời gian dài, đến khi đợt dịch thứ tư bùng phát, doanh nghiệp gần như tê liệt nên không thể chi trả vốn vay ngân hàng, nếu lãi suất được ngân hàng áp dụng cho khoản vay dài hạn cao như hiện nay là quanh ngưỡng 10%/năm.

Đại diện đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, ông Đinh Minh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch quốc tế Du ngoạn Việt Nam cho hay, khi xảy ra dịch Covid-19, du lịch và vận tải bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gần như không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ phía ngân hàng ngoài đợt giãn nợ 3 tháng đầu năm 2020 theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Đại diện cho một doanh nghiệp dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng đề xuất, công ty được giãn, hoãn nợ, xin tiếp tục giảm lãi suất khoảng 5%/năm cho các khoản vay. Bên cạnh đó, công ty cũng mong các tỉnh trong giai đoạn hiện nay không nên tăng tiền sử dụng đất.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, các chuyên gia cũng cho rằng, ngân hàng cần có những giải pháp thiết thực hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng có nghĩa là hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là đối với những ngành nghề đang có nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản như vận tải, du lịch… Giải pháp duy nhất được các chuyên gia đề xuất chính là giảm lãi suất xuống sâu hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.

TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, việc cơ cấu nhóm nợ, khoanh vùng nợ nên kéo dài đến hết năm 2022.

Đồng tình với quan điểm nên hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để phát triển bền vững, ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp với ngân hàng là cộng sinh. Doanh nghiệp ăn nên làm ra thì ngân hàng cũng phát triển. Nhưng lúc này doanh nghiệp khốn đốn, ngân hàng cần chia sẻ mạnh hơn nữa. Thời gian qua, ngân hàng đã cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất... là tốt rồi, nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn do Covid-19 thì ngân hàng cần giảm bớt lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay mà cứu doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Về phía ngân hàng thương mại, đại diện các ngân hàng đều khẳng định sẽ tiếp tục tìm cách tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ cũng khẳng định, VietinBank sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận để điều chỉnh lãi suất đồng hành cùng doanh nghiệp vượt bão Covid-19.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất cho ảnh hưởng Covid-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.