Làm đẹp bằng ốc sên: Rước cả ổ trùng giun lên mặt

Làm đẹp trực tiếp từ ốc sên chỉ là ảo tưởng. Không những thế, chị em phụ nữ còn đối diện với nguy cơ nhiễm độc khi bôi … thịt ốc sên xay nhuyễn.

Ảo tưởng về công dụng của ốc sên

Bắt nguồn từ kinh nghiệm làm đẹp được đăng nhiều vô kể trên các diễn đàn dành riêng cho phụ nữ, ốc sên nổi lên như một vị “cứu tinh sáng giá” giúp lấy lại vẻ thanh xuân của làn da.

Theo như “kinh nghiệm” của các chị em, thì dịch nhầy của ốc sên có chứa rất nhiều vitamin A, E, protein, .v.v. Và nếu dùng trực tiếp trong một thời gian dài sẽ xóa mờ vết chân chim, nếp nhăn, trị mụn, xóa sẹo, thâm do mụn …

Ngoài ra các thẩm mỹ viện có bán mỹ phẩm ốc sên còn ca ngợi: “Dịch nhầy ốc sên chứa một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ làn da khỏi các tác động xấu từ môi trường. Duy trì làn da tươi trẻ và cải thiện chức năng các tế bào da”.

Nhưng “chất chống oxy hóa” là chất gì thì không thấy nói, và tác dụng làm đẹp thần kỳ của ốc sên thì chưa có cơ sở nào để kiểm chứng.

Và cũng không ít người nhiệt tình san sẻ kinh nghiệm chỉ vì muốn bán được ốc sên. Theo quảng cáo, thì loại ốc sên để làm đẹp phải là ốc sên hoa (vỏ có hoa). Giá dao động từ 200 – 300/kg. Ốc càng to thì càng có giá, vì ốc to tiết ra nhiều dịch nhầy hơn.

Có nhiều cách làm đẹp bằng ốc sên theo như lời tư vấn của “các mẹ, các chị” trên diễn đàn. Trong đó, phổ biến nhất là cho ốc bò khắp mặt, hoặc bò toàn thân tùy theo độ chịu được cái sự “ghê ghê, nhột nhột” của mỗi người.

Ai không chịu được, có thể dùng tăm nhọn, khêu vào thịt ốc để ốc tiết chất nhầy ra dùng để bôi. Còn một cách khác khá rợn người là xay ốc cho nhuyễn rồi thoa lên mặt. Tuy nhiên, cách này được phản ánh là khá … ác, cũng như mùi tanh rất kinh khủng nên ít chị em dám thử. Đa phần chọn cách cho ốc bò toàn thân, trên mặt, vì có thể tái sử dụng con ốc sên nhiều lần.

Một số cơ sở thẩm mỹ cũng sử dụng phương pháp làm đẹp này, thời gian kéo dài trong một tiếng với chi phí 150 USD (khoảng 3,5 triệu đồng). Tuy nhiên, không ít người hoang mang với cách làm đẹp độc lạ này.

Chị Khuyên (30 tuổi, ở Thanh Hóa) cho biết, làm đẹp da bằng kem ốc sên thì rất nhiều người đã dùng nhưng để ốc sên bò lên mặt thì chưa thấy ai làm.

“Các chị em trong cơ quan cũng thường xuyên sử dụng kem có chiết xuất thành phần của ốc sên để trị tàn nhang, nám da, liền sẹo. Dùng chất nhờn của ốc sên như thế không biết có hiệu quả không nhưng nhìn cũng thấy ghê rợn rồi”, chị Khuyên cho hay.

tin nhap 20160822125859
Ốc sên là loại động vật thân mềm có rất nhiều ấu trùng sống kí sinh. Khi đắp ốc sên lên da, dịch nhầy ốc sên nơi trú ngụ của nhiều loại ấu trùng sẽ tấn công vào da, mắt, miệng và các niêm mạc.

Cẩn thận nhiễm kí sinh trùng

Trước đó, một bệnh nhân ở Lào Cai bị sán tấn công vì dùng ốc sên bò trực tiếp trên mặt. Theo nữ bệnh nhân, được bạn bè giới thiệu về cách trị nám, tàn nhang bằng ốc sên nên làm thử. Tuy nhiên, sau vài lần đắp ốc sên chị thấy da mặt bị ngứa và sưng một số chỗ nên xuống Bệnh viện Da liễu trung ương khám.

Bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị ký sinh trùng giun lươn bì dưới da. Ký sinh trùng này có thể từ phân chó, phân mèo và con ốc sên bò qua nhiễm ký sinh trùng này. Khi đắp lên mặt người có vết thương hở, ký sinh trùng sẽ chui được vào.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lãnh (Bệnh viện da liễu Trung ương), biện pháp trị mụn, nám và làm đẹp bằng cách dùng dịch nhầy của ốc sên sống tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Ốc sên là loại động vật thân mềm có rất nhiều ấu trùng sống kí sinh. Khi đắp ốc sên lên da, dịch nhầy ốc sên nơi trú ngụ của nhiều loại ấu trùng sẽ tấn công vào da, mắt, miệng và các niêm mạc.

Khi bị ấu trùng tấn công, nếu không thăm khám kịp thời sẽ để lại di chứng nghiêm trọng cho não bộ. Vì các ấu trùng này có thể chu du vào não người và các bộ phận khác của cơ thể thông qua máu.

Ngoài làm đẹp, nhiều nơi ở Tây Bắc, người dân còn sử dụng ốc sên để chế biến món ăn. Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, tuyệt đối không theo lời “đồn đại” hay “kinh nghiệm” sử dụng hoặc “thử sử dụng” ốc sên, ốc bươu, ốc ma tự nhiên để chế biến thành thức ăn với bất cứ mục đích nào

Trong cuốn Nam dược thần hiệu, lương y Tuệ Tĩnh đã viết: “Oa ngưu – con sên, vị mặn, tính hàn, hơi độc, trơn mềm, trị trúng phong méo miệng, kinh giản giật rút, bị rết cắn”. Văn y và dân gian cũng truyền lại những cách trị mụn nhọn từ thịt ốc sên, trị phù thũng, .v.v. Nhưng công dụng làm đẹp trực tiếp thì chưa rõ ràng.

Các loại mỹ phẩm làm đẹp chiết xuất từ tinh chất của con ốc sên đã khiến các chị em lầm tưởng nghiêm trọng về công dụng của loài vật này. Các nhà khoa học chuyên về mỹ phẩm có thể chiết xuất vitamin, protein, collagen, … từ bất cứ loài thực vật, động vật nào có nhiều các chất làm đẹp da này. Nhưng điều đó không có nghĩa là bất cứ loài động vật, thực vật nào các chị em cũng có thể sử dụng để làm đẹp tại nhà.

Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học cho biết, những loài động vật thân mềm như ốc sên vốn là nơi trú ngụ của rất nhiều loại ký sinh trùng. Nếu dùng dịch nhầy của ốc sên bôi trực tiếp lên da mà không qua khâu xử lý rất có thể bị ký sinh trùng làm tổ trên da, gây ra các bệnh nguy hiểm. Thậm chí còn có thể tổn hại đến vùng não nếu bị nhiễm loại ký sinh trùng sống được trong não người.
lam dep bang oc sen

Nói về công dụng làm đẹp của ốc sên, bác sĩ Lê Ngọc Diệp, giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Không chỉ ốc sên, mà hầu hết các loại dịch nhầy của động vật đều không tốt như ta tưởng. Trên thực tế, vi khuẩn, ký sinh trùng, .v.v. có rất nhiều trong dịch nhầy của động vật. Khi bôi các dịch nhầy tự nhiên này lên mặt, nguy cơ nhiễm khuẩn, dị ứng, sưng, viêm là rất lớn”.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.