Làm gì để các đô thị ven biển mang bản sắc riêng?

Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra là quy hoạch các đô thị ven biển vừa đảm bảo sự phát triển bền vững, vừa tạo dựng bản sắc riêng.

Thời gian qua, quy hoạch các đô thị ven biển đã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) nghiên cứu một cách  tổng thể trên cơ sở điều kiện tự nhiên, hiện trạng, định hướng phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch chung của từng đô thị, từng khu chức năng theo đặc điểm của từng địa phương. Theo một số chuyên gia, nhà quản lý thì quy hoạch đô thị biển tại BR-VT vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh BR-VT cho biết, trước đây việc khai thác không gian, quỹ đất đai để tiếp cận với biển đã được quan tâm, nhưng còn nhiều vấn đề cần rà soát, đặc biệt là vấn đề môi trường. Việc chậm triển khai các dự án ôm lấy bờ biển cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ đất, quy hoạch các đô thị ven biển của BR-VT.

“Còn rất nhiều vấn đề phải rà soát, điều chỉnh lại. Chẳng hạn như vấn đề khai thác các quỹ đất và hành lang dọc biển còn nhiều bất cập, như mở đường giao thông ven biển cùng làm đường giao thông ven biển cũng làm ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, môi trường cũng như là khả năng khai thác đất đai”, ông Hưng nói.

Làm gì để các đô thị ven biển mang bản sắc riêng? - Ảnh 1.

Cần xây dựng các đô thị ven biển mang bản sắc riêng.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, BR-VT muốn phát triển về biển thì phải tính đến vấn đề quy hoạch. Việc quy hoạch phải gắn với yêu cầu quản lý quy hoạch đô thị và phát triển các đô thị biển phù hợp với yêu cầu kinh tế đất nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần xem xét để làm sao phát triển một cách bền vững chứ không bằng bất cứ giá nào.

Cũng theo ông Chính, các công trình kiến trúc ven biển phát triển trong thời gian qua đã tạo nên một sắc diện mới cho hình ảnh các đô thị biển BR-VT. Nhưng việc quy hoạch thiếu đồng bộ về phân khu chức năng giữa các khu vực, kiến trúc còn manh mún, thiếu công trình điểm nhấn. Do vậy BR-VT cần có giải pháp quy hoạch hợp lý để vừa có thể sử dụng tài nguyên không gian tự nhiên ven biển vừa tạo ra cơ hội thu hút đầu tư một cách có kiểm soát.

"Các đô thị biển không nên có những tính chất như nhau, từ đặc thù địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa để tính toán những thế mạnh phát triển như: du lịch, nghỉ dưỡng, công nghiệp. Chúng ta phải xem xét một cách rất cụ thể cho từng địa điểm của đô thị để làm quy hoạch đô thị cho tốt”, ông Trần Ngọc Chính cho biết.

Tiến sỹ Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng miền Nam cho rằng, tỉnh BR-VT cần có tầm nhìn dài hạn đối với chiến lược phát triển các đô thị ven biển. Mỗi đô thị ven biển cần có chiến lược phát triển riêng. Đô thị biển không nhất thiết phải là đô thị du lịch, mà còn có thể phát triển với các chức năng chủ đạo khác đem lại bản sắc khác biệt, qua đó tạo thành một mạng lưới đô thị biển đa dạng.

Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, để tạo điểm nhấn cho phát triển đô thị ven biển, BR-VT cần có tầm nhìn chiến lược từ 20-30 năm tới. Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh đưa ý tưởng, đối với đô thị ven biển TP Vũng Tàu, khu vực Gò Găng – Long Sơn, nên nghĩ tới việc kết nối bằng việc xây cầu, vừa tạo điểm nhấn vừa giảm áp lực cho quốc lộ 51.

“Không cần thiết phải xây cầu bây giờ, cây cầu này có thể 30 năm sau xây dựng cũng không sao, nhưng khi quy hoạch thì nên dành việc xây dựng cầu trong quy hoạch thì 30 sau chúng ta không phải tiếc. Đã có 2 tuyến đường vào Vũng Tàu, một là QL 51 và tuyến cao tốc đi qua cầu này đi thẳng vào Vũng Tàu luôn”, ông Nguyễn Đình Trung cho hay.

Theo các chuyên gia quy hoạch và xây dựng, không chỉ BR-VT mà các địa phương có biển cần đưa ra được tầm nhìn dài hạn, trong đó xác định được hình ảnh đô thị và bản sắc riêng biệt. Các đô thị ven biển cần được quy hoạch, quản lý phù hợp, tránh suy thoái môi trường, tàn phá thiên nhiên. Đô thị biển không nhất thiết phải là đô thị du lịch, mà còn có thể phát triển với các chức năng chủ đạo khác đem lại bản sắc khác biệt như: đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị đại học, đô thị kinh tế - tài chính... để tạo thành một mạng lưới đô thị biển quốc gia đa dạng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.