Johan McCubbin có một đề nghị mà bạn không thể từ chối: trả cho anh ta một USD để biết đã có bao nhiêu người chấp nhận chi một USD chỉ vì tò mò muốn biết số lượng người đã làm điều tương tự như bạn.
Ý tưởng tưởng chừng ngớ ngẩn, thiếu thực thế và không thể làm được này lại mang về cho McCubbin một số tiền nhất định, dù con số cụ thể không được anh tiết lộ. Hiện tại, website của Johan đã bị sập vì lượng người tò mò truy cập vào quá nhiều, còn PayPal, hệ thống thanh toán bảo mật trực tuyến đã giới hạn tài khoản của anh vì có hoạt động bất minh (nguyên nhân vì lượng tiền trị giá một USD đổ về liên tục).
Phương thức "làm giàu không khó" này của McCubbin chứng tỏ một điều rằng có hàng trăm nghìn cách để kiếm tiền trên mạng, từ kinh doanh tới gọi vốn, thậm chí...gợi trí tò mò cũng ra tiền.
Ý tưởng có thể bắt đầu từ Trang chủ triệu đô (Million Dollar Homepage), một website được cậu sinh viên người Anh Alex Tew tạo nên vào năm 2005. Tại đây, website bán một pixel quảng cáo nằm trên giao diện của trang với giá chỉ một USD. Tính đến 11/1/2006, Tew đã thu được 38.100 USD từ ý tưởng tưởng chừng điên rồ này.
Hay như I Am Rich, một ứng dụng "kỳ cục" không kém khi chẳng có chức năng gì cho thiết bị di động nhưng được bán với giá 999 USD. Nhiệm vụ đơn giản nhất của phần mềm này: chứng tỏ người dùng rất giàu khi dám bỏ ra gần 1.000 USD chỉ để tải về máy một ứng dụng vô tích sự. Tuy nhiên, sản phẩm này đã mang về cho nhà phát triển gần 8.000 USD.
"Có những ý tưởng đơn giản đến ngốc nghếch nhưng lại có khả năng sinh lợi lớn. Tôi cảm thấy ý tưởng ‘chẳng bán ra cái gì nhưng lại vẫn thu về được chút gì đó' rất thú vị", McClubbin nói.
"Có khoảng thời gian chẳng ai trả đồng nào, kéo dài tầm một tuần gì đó, rồi một ngày nó được chia sẻ trên mạng xã hội nào đấy và bùng nổ". Thỉnh thoảng có người nhắn tin cho anh xin hoàn lại tiền, anh sẽ trả lại khi xác định xảy ra lỗi xử lý hay lỗi hệ thống nào khác. "Còn không, bạn đã trả tiền cho đúng thứ mà tôi đã quảng cáo. Thế thì có lý nào mà đòi lại tiền?".