Lần đầu tiên, một ngân hàng sắp đưa robot vào phục vụ khách hàng

Tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam gia tăng đáng kể trong thời gian qua lên 21%, nhưng vẫn có tới 79% các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt.

Đây là số liệu được đưa ra tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2019, do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 28/11 tại TP HCM.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số có tài khoản ngân hàng hiện nay là 45,8 triệu người, chiếm 63% dân số.

Kết quả khảo sát thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại Đông Nam Á được ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam, công bố cho thấy tỉ lệ thanh toán tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn cao lên tới 79%, còn tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt dù có tiến bộ nhiều trong thời gian qua nhưng ở mức 21%. Trong thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua thẻ chiếm tỉ lệ rất cao, các hình thức thanh toán khác như QR code, ví điện tử vẫn còn thấp…

Dù vậy, tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng mức bán lẻ vẫn còn thấp, bản thân việc phát triển các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng còn hạn chế.

Lần đầu tiên, một ngân hàng sắp đưa robot vào phục vụ khách hàng - Ảnh 1.

Lãnh đạo Ngân hàng Nam Á cho biết sẽ đưa Robot vào quầy giao dịch để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. (Ảnh: Linh Anh).

Số lượng công ty fintech nhiều nhưng chỉ tập trung vào thanh toán tiêu dùng chứ chưa phủ khắp các loại hình thanh toán, dịch vụ cao cấp khác. Ví điện tử vẫn gặp rào cản lớn nhất là muốn thanh toán được phải liên kết với tài khoản ngân hàng, chứ quy định hiện nay chưa cho phép người dùng nạp tiền trực tiếp vào ví điện tử.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), thị trường thanh toán ở Việt Nam đang phát triển rất tốt và chưa có dấu hiệu chậm lại. Khoảng 80% giao dịch bán lẻ vẫn sử dụng tiền mặt, đặc biệt là giao dịch nhỏ lẻ cũng là cơ hội để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực, cũng cho rằng các khảo sát gần đây cho thấy khách hàng của công ty fintech đã thay đổi đáng kể trong 5 năm qua dù các dịch vụ thanh toán chiếm khoảng hơn 70%. Thị phần "miếng bánh" dịch vụ thanh toán giữa fintech cũng cạnh tranh khốc liệt với các ngân hàng thương mại truyền thống.

Sức ép cạnh tranh để giữa thị phần trên thị trường đặt các ngân hàng thương mại trong bài toán phải thay đổi, trong đó, chuyển đổi số là giải pháp được nhiều ngân hàng lựa chọn nhằm tạo sức cạnh tranh, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, cho biết kênh ngân hàng số sẽ giúp cho khách hàng gia tăng trải nghiệm trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt mà không cần đến quầy giao dịch. Xu hướng này ngày càng phổ biến khi khách hàng ngày càng bận rộn và nhu cầu thanh toán điện tử, online diễn ra cả ngày, chứ không chỉ giờ hành chính như trước. Một trong những điểm nhấn được lãnh đạo Nam Á cho biết là sẽ đưa Robot vào các điểm giao dịch trong thời gian tới, để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Dù vậy, để sớm triển khai ngân hàng số thành công, các ngân hàng vẫn đang chờ cơ sở pháp lí, rõ ràng từ Ngân hàng Nhà nước. 

Theo ông Hoàng Việt Cường, cơ quan quản lí cần sớm ban hành văn bản pháp lí cho phép ngân hàng triển khai mở tài khoản online kết hợp eKYC (định danh điện tử khách hàng); mô hình ngân hàng đại lí nhằm phục vụ rộng rãi khách hàng tại các vùng nông thôn…


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.