'Làng đu dây' ở Hà Nội đổi đời sau gần thế kỷ

Làng đu dây ở thôn Ngọc Liễu, Thường Tín, TP Hà Nội đã có cầu mới sau gần thế kỷ.

Hơn nửa đời người sống trong cảnh ngăn sông, ông Phượng nhớ tất cả những gì diễn ra tại bến sông này mấy chục năm qua. Việc thông thương, giao lưu bên ngoài với chiếc thuyền và sợi dây thừng khiến cả làng phải khốn khổ với những tình huống cười ra nước mắt. Đó là rào cản khiến làng không thể phát triển, người dân không có việc làm, trẻ em hạn chế đến trường và các chế độ xã hội phổ cập chưa đến với người dân nơi đây.

lang du day o ha noi doi doi sau gan the ky

Thời điểm trước tháng 10/2015, người dân thôn Ngọc Liễu phải ngồi đò sang sông bằng cách đu dây vô cùng nguy hiểm (Ảnh: Infonet).

Cùng thế hệ với ông Phượng, ông Nguyễn Văn Tỵ, 58 tuổi, người dân thôn Ngọc Liễu vẫn còn nhớ như in những tháng ngày phải đu dây qua sông. Ông Tỵ tâm sự: “Ngày trước khi chưa có cầu, chúng tôi khổ đủ đường. Việc đi lại hàng ngày đã là một nhẽ, đến những việc lớn hơn như: Xây nhà, cưới vợ, gả chồng cho con cái mới là những chuyện éo le. Ngày tôi tổ chức đám cưới cho con trai, khi rước dâu, hai bên nội ngoại có hàng trăm người lần lượt từng người lên thuyền qua sông. Chiếc thuyền nhỏ đảm nhiệm phần nhiệm vụ rất quan trọng là lần lượt chở từng đoàn người nhà trai nhà gái qua sông nên gia đình phải chuẩn bị dây thừng chắc chắn và làm lại đường lên xuống an toàn trước cả tuần. Đồng thời, phân công riêng một người chuyên kéo dây thuyền cho khách qua sông, giờ rước dâu gia đình phải dự tính làm từ sáng sớm cho kịp”.

Nhịp cầu nối những bờ vui

Ông Nguyễn Văn Kiên (57 tuổi), Trưởng thôn Ngọc Liễu kể lại, không phải quá lâu mà chỉ cách đây ngót chục năm, cả làng có khoảng 300 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu hàng ngày đều đi chung chiếc thuyền sắt cũ kỹ. Trong số đó, có khoảng 100 em học sinh các cấp đang tuổi cắp sách tới trường. Ngày trước, hầu như năm nào cũng có hàng chục vụ tai nạn xảy ra tại đây và đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm.

Cũng chính vì đi lại khó khăn mà nhiều học sinh trong làng đã phải bỏ học giữa chừng. Khi chưa có cầu, trẻ nhỏ trong làng đi học phải dậy sớm hơn các bạn ở thôn khác, nhiều lúc chẳng kịp ăn lót dạ vì hành trình vượt sông có khi đến nửa giờ đồng hồ. Những hôm mưa to, gió lớn, người lớn phải đưa chúng sang sông nhưng sang đến nơi thì quần áo, cặp sách cũng ướt hết. Mưa làm cho con đường xuống bến đò trơn trượt, nhiều cháu học sinh sang được bờ rồi bị ngã bẩn hết quần áo lại phải quay về thay rồi mới dám đi học tiếp…

Trầm ngâm một hồi, ông Kiên hào hứng: “Bây giờ thì đổi đời rồi, trẻ con đi học chỉ cần mấy phút bước trên cây cầu bê tông, nắng mưa, bão bùng không còn lo ngã xuống sông nữa”.

lang du day o ha noi doi doi sau gan the ky

Đu dây qua sông ở Ngọc Liễu (Ảnh: Infornet)

Cả một đời gắn bó với “ốc đảo” Ngọc Liễu, ông Kiên cùng những người dân tại đây đều bám vào nghề nông. Ngọc Liễu có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn lại màu mỡ nên phát triển nông nghiệp rất tốt. Nhưng ngày trước, khi chưa có cầu, năm nào bội thu việc vận chuyển nông sản của bà con mang ra thị trấn bán cũng là cả một hành trình gian nan. Vì vậy, dù có quỹ đất nhưng người dân Ngọc Liễu ít người dám đầu tư phát triển kinh tế trang trại bởi việc vận chuyển quá gian nan.

“Nhưng ngày nay, nhờ cây cầu, cuộc sống thay đổi nhiều lắm, không chỉ việc đi lại thuận lợi, mà kinh tế cũng phát triển hơn nhiều. Từ ngày có cầu, chúng tôi thực sự phấn khởi lắm, phải chính xác là đổi đời các chú ạ! Không có gì bằng được một cây cầu liền với xã, đó là niềm vui sướng vạn đại của bao thế hệ trong làng. Bây giờ, các cháu đã được đi học đúng giờ không phải nhịn đói tới trường, dân làng có điều kiện tiếp xúc và phát triển kinh tế với bên ngoài. Do đường vào thôn đã thuận lợi, hiện tại trong thôn đã có hơn chục hộ xây dựng mô hình kinh tế trang trại, nhiều hộ đã xây được nhà tầng khang trang rồi”, ông Kiên xúc động nói.

Ông Hoàng Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên, một lãnh đạo có nhiều năm công tác tại địa phương vẫn nhớ về những chuyến đò đu dây vượt sông để sang Ngọc Liễu như kỷ niệm không bao giờ quên. Ông Hữu chia sẻ: “Ngày trước, khi cây cầu chưa có, lãnh đạo xã sang Ngọc Liễu họp, thăm bà con hay có việc gì cũng đều phải đi đò sang sông. Ban ngày đã khó khăn, ban đêm khi trong làng có vụ việc gì cần chính quyền can thiệp thì vất vả vô cùng. Một tháng, chúng tôi chỉ có vài lần sang Ngọc Liễu để họp hành hoặc thăm bà con nhưng đã thấy gian nan rồi. Vậy mà, hàng thế kỷ qua người dân vẫn phải hàng ngày vượt sông thì còn vất vả đến đâu. Thật lòng, với vai trò là lãnh đạo địa phương tôi thấy xót xa lắm. Thương bà con mà chỉ biết kiến nghị lên cấp trên để xin kinh phí xây cầu mà bao nhiêu năm không được”.

Theo ông Hữu, giờ đây, cây cầu được bắc qua sông Nhuệ chắc chắn sẽ giúp Ngọc Liễu vươn mình. “Trước kia bà con trồng được mớ rau muốn đem ra chợ xã bán cũng ngại vì đi lại mất rất nhiều thời gian. Giờ đây, nhiều hộ đã và đang đầu tư làm ăn lớn với mô hình trang trại. Về an sinh xã hội, nếu trước đây chẳng may có người mắc trọng bệnh phải đi cấp cứu thì cũng mất cả tiếng mới qua được sông, giờ có cầu chắc chắn những chuyện buồn đó vĩnh viễn không còn nữa. Các cháu nhỏ thì không còn phải nơm nớp lo muộn học, lo ngã xuống sông như thuở nào. Bây giờ, mỗi lần đi qua cầu sang Ngọc Liễu thăm bà con, lúc nào trong lòng tôi cũng thấy vui phơi phới, mừng cho sự đổi đời của người dân”, ông Hữu tâm sự.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.