Lấp hồ Thành Công, lợi thì có lợi…

Ý tưởng lấp hồ Thành Công để xây nhà tái định cư, nếu được thực hiện, không phải không có những cái lợi đối với Hà Nội. Nhưng, dù chỉ trong suy nghĩ, không biết chủ nhân của ý tưởng đó đã bao giờ đặt câu hỏi về những cái hại?

Ý tưởng lấp hồ Thành Công để xây nhà tái định cư tại Hội thảo khoa học về cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội tuy bị không ít người cười nhưng vị đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đã bình tĩnh trấn an mọi người bằng cách giải thích về những cái lợi.

Nếu làm theo phương án này, người dân không phải dời đi tạm cư nơi khác, lại tận mắt chứng kiến nhà tái định cư được xây dựng như thế nào và chủ đầu tư cũng không mất nhiều thời gian cho việc giải phóng mặt bằng, đền bù.

Và chắc chắn, khi được chuyển sang nhà mới ở vị trí đắc địa như hồ Thành Công, chẳng ai muốn lưu luyến những căn hộ lụp xụp, vá víu cơi nới trên các chung cư cũ nát làm gì.

lap ho thanh cong loi thi co loi
Hồ Thành Công (Ảnh: Đăng Định/mapio.net)

Ngoài ra, có một cái lợi lớn hơn tất cả, đó là nếu ý tưởng này được thực hiện, nó sẽ là kinh nghiệm "vàng" cho Hà Nội trong việc cải tạo chung cư cũ khi công tác này của Thủ đô tới nay mới chỉ được 1%, không đạt hiệu quả mong muốn.

Hiện Hà Nội, theo lời ông GĐ Sở Xây dựng Hà Nội, có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng.

Nếu TP Hà Nội sử dụng ý tưởng "lấp hồ Thành Công" của Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng thì hàng loạt những ý tưởng tương tự có thể được những người dân sống trong các khu chung cư cũ ở Hà Nội nghĩ đến.

Những người dân đang sống trong các khu chưng cư cũ ở đường Kim Mã và đường Nguyễn Chí Thanh hoàn toàn có quyền nghĩ đến việc lấp hồ Ngọc Khánh; những người dân ở khu chung cư cũ ở Ngọc Khánh, Trần Huy Liệu nghĩ đến hồ Giảng Võ; những người dân ở một số chung cư cũ ở Thái Hà nghĩ đến hồ Đống Đa; những người dân sống trong các chung cư cũ ở phố Lê Thanh Nghị, khu gần ĐH Bách Khoa nghĩ đến hồ Bảy Mẫu; những người sống trong các khu tập thể ở phố 8/3, Quỳnh Mai nghĩ đến hồ Thanh Nhàn...

lap ho thanh cong loi thi co loi
Khu tập thể Quỳnh Mai (Q. Hai Bà Trưng) (Ảnh: Thời Báo Kinh Doanh)

Và nếu những cái hồ mang tên Giảng Võ, Đống Đa, Bảy Mẫu, Thanh Nhàn... được lấp đi, Hà Nội sẽ tiết kiệm được một số tiền không nhỏ từ việc chăm sóc cảnh quan, bảo vệ môi trường cho chúng.

Nếu đem quỹ đất khổng lồ có được từ việc lấp hồ kết hợp với ý tưởng “xây khối nhà tái định cư tối thiểu 24 tầng nhưng có điểm nhấn”, “cho nâng cao tối đa 45 tầng đối với khối nhà thương mại” của Công ty Việt Hưng, những cái lợi chắc chắn sẽ còn lớn hơn nữa, thậm chí vượt cả khả năng tưởng tượng của số đông.

Phần nhìn thấy được, Hà Nội sẽ có thêm những tòa nhà chọc trời ngay giữa trung tâm, có nhiều điểm nhấn về chiều cao công trình và các điểm nhấn chắc chắn sẽ rất sáng tạo vì có nhiều tiền lệ cho thấy điểm nhấn trong quy hoạch của Hà Nội là những điểm “thích là nhấn”.

"Lấp hồ Thành Công để xây nhà tái định cư" mới chỉ ở dạng đề xuất, còn cần nhiều cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định. Những cái lợi, như đã nói trên, là có. Chỉ có điều, cái lợi đó có thuộc về số đông hay không thì không ai dám chắc.

Trước khi có ý tưởng này, các ông chủ doanh nghiệp cũng từng đưa ra những cao kiến táo bạo khác, như ngăn dòng sông Hồng để vừa làm thủy điện, vừa trị thủy và… thu phí tàu bè; hoặc lấp sông Đồng Nai để làm đô thị.

Một tham chiếu khác, là việc chính quyền buông lỏng quản lý khiến hồ Đan Kia ở Lâm Đồng bị lấp. Việc san lấp bị tuýt còi, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, nhưng không thay đổi được sự thật là môi sinh hồ Đan Kia không bao giờ được phục hồi nguyên trạng.

Đó cũng là những điều mà Hà Nội nên tham khảo, dù việc cải tạo chung cư cũ đang thực sự bế tắc và những cái lợi lớn đã được các chủ đầu tư lớn vẽ ra.

Tiếng cười ồ của cả hội trường - nơi diễn ra Hội thảo khoa học về cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội có hàm chứa cả sự lựa chọn. Chỉ có điều, người ta có muốn hiểu những tiếng cười đó là mỉa mai hay chỉ nghĩ đó đơn giản là những tiếng cười đùa vui vẻ mà thôi.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.