Lập qui hoạch tổng thể quốc gia: Không quá cầu toàn, theo phương pháp đúng dần

Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Qui hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, để triển khai lập qui hoạch tổng thể quốc gia, ngày 14/2, Chính phủ đã có Nghị quyết thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập qui hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập qui hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định theo qui định của pháp luật về qui hoạch. 

Thẩm định lập Qui hoạch tổng thể quốc gia - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Thành viên Hội đồng là Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và một số chuyên gia về qui hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng.

Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các đơn vị nghiên cứu qui hoạch đã cơ bản xây dựng được các nhiệm vụ lập qui hoạch tổng thể quốc gia, lấy ý kiến các Bộ, ngành, đơn vị và các chuyên gia, nhà khoa học.

Trên cơ sở đó, cuộc họp của Hội đồng thẩm định sẽ xem xét trước khi trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở cho việc lập qui hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, các Bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tiến hành xây dựng các cấu phần cụ thể của qui hoạch tổng thể quốc gia. Qui hoạch này phải được Quốc hội thông qua, dự kiến trong năm 2021.

"Xây dựng qui hoạch tổng thể quốc gia là công việc rất hệ trọng nhưng cũng rất khó, chưa từng có tiền lệ, không có nhiều kinh nghiệm quốc tế. Qui hoạch phải có tính khả thi cao, thể hiện được tầm nhìn chiến lược và phải có các nội dung phù hợp. Để đạt mục tiêu này, phải có một "đề bài" rất rõ, đấy chính là các nhiệm vụ qui hoạch", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Đồng tình với nhận định này, các ý kiến thảo luận cũng cho rằng chỉ khi đưa ra được các định hướng đúng, yêu cầu đầy đủ thì mới có thể triển khai lập qui hoạch tổng thể quốc gia một cách khoa học nhưng vẫn có không gian cho sự sáng tạo.

Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng những vấn đề đưa vào qui hoạch tổng thể quốc gia phải có tính định hướng cao, mang tính chiến lược, không đi vào các vấn đề cụ thể, vụn vặt (sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là điều chỉnh qui hoạch do phải trình Quốc hội phê duyệt).

Tuy nhiên, do là loại qui hoạch mới, lần đầu tiên được nghiên cứu lập ở Việt Nam nên kiến thức và kinh nghiệm về nội dung, hình thức, phương pháp, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý qui hoạch tổng thể quốc gia hoàn toàn chưa có. Đồng thời, kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới đối với loại qui hoạch này cũng hết sức hạn chế.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ để sớm trình Chính phủ theo qui định.

“Cách làm chung là không quá cầu toàn, ‘theo phương pháp đúng dần’, không máy móc, phụ thuộc”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, qui hoạch tổng thể quốc gia nhằm phân bổ và huy động hợp lí các nguồn lực quốc gia bảo đảm phát triển nhanh và bền vững phải có tính định hướng cao, thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, định hướng 2045-2050, phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Đồng thời, thể hiện được việc định hướng không gian phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; tạo sự gắn kết hài hoà giữa phát triển với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thể hiện được sự kế thừa, phát triển các qui hoạch hiện có.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải quán triệt rất rõ nguyên tắc các qui hoạch phải phù hợp với nhau, đặc biệt trong bối cảnh triển khai thực hiện đồng thời các qui hoạch quốc gia, vùng, tỉnh.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.