Lo ngại dự án lọc dầu Nghi Sơn gây thiệt hại thêm hàng nghìn tỉ đồng

Đại biểu Trần Quang Chiểu cho biết, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn còn ba nội dung ưu đãi trái qui định tại thời điểm kí kết. Ông ước tính thiệt hại cho ngân sách quốc gia sẽ rất lớn.

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 5/11, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề cập tới những vấn đề liên quan đến đại dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Lo ngại dự án lọc dầu Nghi Sơn gây thiệt hại thêm cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quang Chiểu lo ngại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ gây thiệt hại thêm nhiều tỷ đồng. (Ảnh: Quochoi.vn).

Tại kì họp tháng 10/2016, đại biểu cho biết đã phát biểu về những thiệt hại về kinh tế của quốc gia do chính phủ tiền nhiệm kí cam kết bảo lãnh GGU đối với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

"Với cơ chế GGU gọi là ưu đãi thuế nhập khẩu 3% - 5% - 7% cho dự án. Theo tính toán, sau khi bù trừ số tiền thuế, phí, tiền thuê đất… thu được từ dự án, thì số tiền phải bỏ ra trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm, bắt đầu từ ngày nhà máy vận hành thương mại, là 36,73 tỉ đồng, nếu giá dầu là 50 USD/thùng.

Sẽ là 47,87 tỉ đồng nếu 60 USD/thùng; 64,58 tỉ đồng, nếu giá dầu 75 USD/thùng và 88,100 tỉ đồng, nếu giá dầu là 100 USD/thùng", ông Chiểu nói.

Ngoài số tiền thiệt hại nêu trên, ông Chiểu nói "qua nghiên cứu kĩ GGU", dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn còn ba nội dung ưu đãi trái qui định tại thời điểm kí kết áp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% toàn bộ đời của dự án, ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho công nhân viên trong khu kinh tế Nghi Sơn và cam kết chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng dầu do nhà máy sản xuất ra, tại cổng nhà máy.

Nếu tính cả thiệt hại do ba nội dung cam kết ưu đãi trên, ông Chiểu ước tính thiệt hại cho ngân sách quốc gia sẽ rất lớn.

"Nó phải là hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồng, cộng với số tiền phải thực hiện cam kết thuế nhập khẩu như trên, thì thiệt hại ngân sách quốc gia sẽ là rất lớn. Có phải chăng đây là sự việc gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia từ trước đến nay hay không?", ông Chiểu đặt câu hỏi.

Trong bài phát biểu, ông Chiểu thông tin thêm Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành chức năng nhiều lần thảo luận, đàm phán với nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư vẫn không nhượng bộ. Lý do là các ưu đãi của GGU đã được họ tính vào chi phí hiệu quả kinh doanh.

Theo đại biểu Chiểu, GGU là thỏa thuận quốc tế nên không thể nói là không thực hiện. Do nhà đầu tư không nhượng bộ, Chính phủ đang bàn phương án nguồn tiền để thực hiện ưu đãi, trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được phương án và giải pháp tối ưu nhất.

"Số tiền gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư này sẽ được cấp trực tiếp từ ngân sách hay gián tiếp thông qua PVN đều là gánh nặng, tức là thuế của 100 triệu người dân hôm nay và con cháu chúng ta mai sau. Cần sớm có câu trả lời công khai trách nhiệm từ các cơ quan chức năng", ông Chiểu nói.

Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Dự án do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

Dự án có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, vốn điều lệ của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn là 2,44 tỷ USD. Phần lớn vốn giải ngân cho dự án này là vay ngân hàng, còn lại do các bên góp vốn.

Công suất của dự án giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.