Loạt dự án của 'ông lớn' Viglacera xác định sai tiền sử dụng đất

Theo Thanh tra Chính phủ, một loạt các dự án của Viglacera được xác định không đúng chi phí phát triển dự án trong quá trình tính tiền sử dụng đất, gây thất thu ngân sách.

Thanh tra: Viglacera chưa nộp đủ tiền thuế sử dụng đất và nghĩa vụ nộp quỹ đất

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây đã có Kết luận thanh tra về đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu đô thị của thành phố Hà Nội giai đoạn 2002-2014.

loat du an cua ong lon viglacera xac dinh sai tien su dung dat
(Ảnh minh hoạ).

Báo cáo này hé lộ một số sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng “Tổ hợp văn phòng, thương mại, khách sạn và nhà ở Viglacera” tại phường Trung Hoà, Cầu Giấy và phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư. Dự án này được xây dựng trên diện tích đất hơn 39.000m2, có tổng mức đầu tư hơn 1.383 tỷ dồng và được thực hiện từ năm 2009-2014. Dự án hiện đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng.

Tại dự án này, từ năm 2008, UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất hơn 407,1 tỷ đồng. Sau đó vào năm 2011, chủ đầu tư phải nộp bổ sung hơn 94,6 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính về đất do điều chỉnh nâng tầng.

TTCP xác định, tại Tờ trình của Liên ngành về tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, khi xác định chi phí phát triển của dự án, liên ngành đã đưa khoản chi phí dự phòng không đúng với quy định của Bộ Tài chính, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Việc thực hiện nghĩa vụ nộp quỹ đất cũng được đoàn thanh tra cho rằng, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội từ năm 2008, diện tích đất dự án là hơn 39.000 m2, diện tích đất xây dựng là 5.190 m2 thì 20% diện tích quỹ đất phải trích nộp là 1.038 m2.

Tuy nhiên, do UBND thành phố Hà Nội không yêu cầu cụ thể về việc thực hiện nghĩa vụ phải trích nộp quỹ đất hoặc quỹ nhà trong quyết định giao đất, nên khi thực hiện dự án, Tổng công ty Viglacera không thực hiện nghĩa vụ nộp quỹ đất. Điều này được TTCP cho rằng có biểu hiện sự tuỳ tiện, cơ chế xin cho, bất bình đẳng với các nhà đầu tư khác, cần phải thu về quỹ phát triển nhà ở của thành phố.

TTCP cũng "điểm danh" những sai phạm tương tự tại dự án Khu chức năng đô thị Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm do Tổng công ty Viglacer làm chủ đầu tư. Dự án này có diện tích đất sử dụng hơn 85.900 m2, tổng mức đầu tư hơn 872,8 tỷ đồng, đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng.

Trong quá trình thực hiện, dự án này được xác định là xác định chi phí phát triển dự án không đúng quy định gây thất thu ngân sách. Ngoài ra chủ đầu tư cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với phần diện tích hơn 4.665 m2 làm nhà trẻ, đất công cộng và đất bãi đỗ xe.

Tương tự, tại một loạt dự án như: Dự án Khu nhà ở Đại Mỗ, tại xã Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm với tổng mức đầu tư hơn 225 tỷ đồng và dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương, dự án khu nhà ở số 628 Hoàng Hoa Thám, khu đô thị Đặng Xá của Viglacera cũng xác định không đúng chi phí phát triển dự án trong quá trình tính tiền sử dụng đất, gây thất thu ngân sách.

Riêng với khu đô thị khu nhà ở tại 628 Hoàng Hoa Thám, theo bảng giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2006 thì khu đất này thuộc vị trí 1 giá đất 22 triệu đồng/m2 nhưng liên ngành đã áp dụng không đúng vị trí đất với mức giá là 17,6 triệu đồng/m2, dẫn đến thất thoát ngân sách với số tiền hơn 12,49 tỷ đồng, cần phải thu về ngân sách.

Tại dự án chung cư tại 671 Hoàng Hoa Thám, năm 2001, UBND thành phố cho phép chủ đầu tư thực hiện phương pháp nộp tiền chênh lệch giữa giá bán và giá thành với phần 30% diện tích sàn chung cư.

Tuy nhiên, việc này được TTCP khẳng định không đúng quy định vì theo quy định, chủ đầu tư phải nộp 30% diện tích sàn chứ không phải nộp phần chênh lệch. Với phần diện tích này, tổng doanh thu hơn 183 tỷ đồng, chủ đầu tư đã phải nộp hơn 37,39 tỷ đồng bổ sung.

Đại diện Viglacera: Chúng tôi rất bất ngờ!

Trả lời Dân trí về những thông tin trên, ngày 20/7, ông Nguyễn Thế Chinh, cán bộ phụ trách các dự án bất động sản của Viglacera cho biết, ông khá bất ngờ trước các kết luận của TTCP về các dự án này.

"Trong việc thực hiện các dự án trên, chúng tôi đều làm đúng theo các quy định của Luật Xây dựng, các văn bản hướng dẫn dưới luật, các Thông tư 145/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính về phương pháp xác định giá đất và các văn bản phê duyệt, hướng dẫn của cơ quan quản lý UBND thành phố Hà Nội", ông Chinh nói.

loat du an cua ong lon viglacera xac dinh sai tien su dung dat
Đại diện Viglacera có vẻ không "tâm phục" kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ảnh minh họa: Khu đô thị Đặng Xá của Viglacera

Ông Chinh cũng tỏ ý ngạc nhiên khi trong biên bản của đoàn thanh tra khi xuống làm việc tại Viglacera và trong kết luận chính thức lại có đánh giá, ghi nhận khác nhau về các dự án.

Cụ thể, về việc TTCP kết luận Viglacera phải nộp thuế sử dụng đất cho dự án Khu chức năng đô thị Tây Mỗ, đại diện Viglacera cho rằng, đất bãi xe, nhà trẻ...không phải là đất thương mại nên theo quy định, không phải nộp thuế.

Hay ở dự án khác, Thanh tra yêu cầu phải bỏ chi phí dự phòng ra khỏi chi phí dự án thì theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính năm 2008 về các tiêu chuẩn định giá cũng đã quy định phải có chi phí dự phòng.

Cũng theo ông Chinh, về việc nộp quỹ đất thì ở một số thời điểm như có những năm thị trường bất động sản trầm lắng thì việc bán lại nhà cho thành phố lúc đó không ai mua. Khi đó, cũng đã có những cuộc họp và cơ quan quản lý cho rằng, giá nhà của Viglacera là "cao" nên không mua. "Chúng tôi đã cũng đã làm văn bản, Sở Xây dựng cũng gửi văn bản cho UBND Thành phố nhưng Thành phố không trả lời", ông Chinh nói.

Với những vấn đề nêu trên, theo ông Chinh, việc TTCP "kết" là có "thất thoát ngân sách" là quá nặng và việc yêu cầu thực hiện các khoản nộp trên là quá khó cho Viglacera bởi nếu nộp hết các khoản như vậy, coi như Viglacera phải nộp tất cả các khoản chi phí đã đầu tư cho dự án.

"Tôi nghĩ là không chỉ các dự án của Viglacera, ở nhiều dự án mà TTCP kết luận trong đợt này cũng có vấn đề tương tự", ông Chinh nói.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.