Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) vừa thông qua nghị quyết điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Sau điều chỉnh, BSR giảm 30% mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2020 về mức 56.663 tỷ đồng.
Về kế hoạch lợi nhuận sau thuế không thay đổi so với mục tiêu được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua là 1.185 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty mẹ hết năm 2020 dự kiến đạt 29.202 tỷ đồng, giảm 10,5% so với kế hoạch ban đầu.
Theo nghị quyết họp ĐHĐCĐ thường niên, kế hoạch kinh doanh được thông qua trước đó được lập tại thời điểm chưa có tác động kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm (phương án giá dầu của kế hoạch cũ là 60 USD/thùng).
Theo cập nhật mới nhất thì 11 tháng, tổng doanh thu công ty đạt 49.035 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kì 2019. Nếu so với kế hoạch cũ thì BSR mới đạt 61% mục tiêu cả năm còn so với con số sau điều chỉnh thì đã đạt 87%.
Do hai quí đầu năm lỗ tới 4.257 tỉ đồng nên luỹ kế 9 tháng BSR vẫn còn lỗ 4.095 tỉ đồng và cách xa mục tiêu có lãi.
Sau điều chỉnh, tổng vốn đầu tư năm 2020 dự kiến giảm 71% còn 326 tỷ đồng và đều là vốn chủ sở hữu. Trong đó, vốn rót cho dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất giảm 81% về 147 tỷ đồng còn lại dùng để mua sắm trang thiết bị, tài sản cố định.
Theo báo cáo mới đây nhất của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ giúp BSR cải thiện hai vấn đề cốt lõi gồm giải quyết vấn đề nguồn cung dầu thô Bạch Hổ đang cạn kiệt và vấn đề môi trường, đảm bảo sản phẩm lọc dầu đầu ra đạt tiêu chuẩn quốc tế Euro III và IV.
Hiện trữ lượng dầu thô tại mỏ Bạch Hổ đang giảm mạnh, Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 1 được thiết kế để lọc dầu tại mỏ Bạch Hổ.
Tuy nhiên, đây là loại dầu thô chất lượng cao, vì vậy khi sản lượng cung cấp dầu thô tại mỏ Bạch Hổ giảm, BSR phải nhập dầu thô chất lượng tương đương trong khu vực với mức giá cao và không ổn định.
Do đó, khi mở rộng nhà máy, BSR có thể vận hành với đầu vào là dầu thô chất lượng kém hơn với giá vốn rẻ.
Bên cạnh vấn đề thiếu hụt nguồn cung, vấn đề môi trường cũng cần được quan tâm. Việt Nam đã tham gia và ký kết các thỏa thuận về môi trường đặc biệt là khí thải từ các phương tiện giao thông. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các sản phẩm đầu ra của Nhà máy lọc dầu trong nước chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng về môi trường.
Như vậy, VCBS nhận định trong dài hạn, BSR buộc phải thực hiện nâng cấp nhà máy để đáp ứng các yêu cầu và lộ trình mà chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, nhìn vào khoản mục chi phí xây dựng dở dang không thay đổi qua nhiều kỳ cho thấy dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn tiếp tục không có quá nhiều sự cải thiện về mặt tiến độ.
Mặc dù dự án mở rộng là thực sự cần thiết, tuy nhiên trên lợi ích của cổ đông trong ngắn hạn, VCBS đánh giá tác động tiêu cực của dự án mở rộng nhà máy lọc dầu là khá đáng kể.