Theo đó, doanh thu của Nike đã tăng khoảng 9% lên 11,24 tỷ USD trong quý kết thúc vào ngày 30/11, cao hơn mức dự báo trung bình 10,56 tỷ USD của giới chuyên gia trước đó. Lợi nhuận của Nike cũng tăng 12% lên 1,25 tỷ USD, tương đương 78 xu/cổ phiếu và vượt kỳ vọng của các nhà phân tích là 62 xu/cổ phiếu.
Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý vào cùng giai đoạn giảm 2% xuống còn 3,3 tỷ USD. Sự suy giảm chi tiêu trên là vì trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, Nike không chi nhiều cho việc tiếp thị thương hiệu và các sự kiện thể thao của mình.
Báo cáo của Nike nhấn mạnh doanh số bán hàng trực tuyến của công ty đã tăng 84%. Trong đó, thị trường lớn nhất của Nike là Bắc Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng lên tới ba con số, còn các khu vực khác trên thế giới cũng tăng trưởng mạnh ở mức hai con số.
Nhờ đà tăng trưởng ấn tượng từ hoạt động bán hàng trực tuyến, Nike đã tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng doanh thu cả năm nay. Dù không nêu cụ thể, công ty sản xuất đồ thể thao lớn nhất thế giới kỳ vọng tăng trưởng doanh thu hàng năm sẽ cao hơn so với dự báo trước đó là chỉ từ một con số đến ngưỡng thấp hơn của hai con số.
Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do COVID-19 gây ra đã thúc đẩy người dân tham gia các hoạt động như chạy bộ hoặc đi xe đạp. Xu hướng này đã tạo ra lực đẩy rất cần thiết cho Nike và các nhà sản xuất đồ thể thao khác sau khi doanh thu của họ chịu tác động của đại dịch hồi đầu năm.
Trong giai đoạn phong tỏa, nhiều người cũng đã đăng nhập vào các ứng dụng tập luyện và cửa hàng của Nike, qua đó giúp doanh số bán hàng trực tuyến của công ty tăng cao hơn đáng kể trong cả năm.
Bà Jessica Ramirez, nhà phân tích thị trường bán lẻ của công ty tư vấn Jane Hali & Associates, cho biết việc Nike đầu tư vào các kênh thương mại điện tử đã mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho công ty so với các đối thủ khác như Adidas.