Lời giải nào cho 'tái định cư thủy điện' - Bài 1: 'Lay lắt' tái định cư thủy điện

Tại Kon Tum, những khu tái định cư do ảnh hưởng của các thủy điện chưa thực sự giúp cho bà con “định cư”, bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đẩy một số khu tái định cư vào cảnh hoang tàn, ít người sinh sống.

Theo thống kê, tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW; trong đó, có 5 dự án thủy điện gây ảnh hưởng, phải thực hiện di dân, tái định cư là Yaly, Plei Krông, Đăk Đrinh, Thượng Kon Tum và Đăk Mi 1. Hiện tỉnh đã xây dựng nhà ở để chuyển toàn bộ 3.060 hộ dân thuộc diện tái định cư về nơi ở mới; giao hơn 3.300 ha đất cho gần 3.000 hộ.

Tuy vậy, những khu tái định cư do ảnh hưởng của các thủy điện chưa thực sự giúp cho bà con “định cư”, bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đẩy một số khu tái định cư vào cảnh hoang tàn, ít người sinh sống.

Bài 1: “Lay lắt” tái định cư thủy điện

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, thu nhập bình quân đầu người tại các khu tái định cư thủy điện đạt 25 triệu đồng/người/năm; còn 162 hộ tái định cư thuộc diện nghèo, chiếm 5,2% tổng số hộ tái định cư của tỉnh. Tuy con số này không quá lớn, song số lượng cận nghèo lại khá cao. Cùng với đó, việc không đảm bảo được các điều kiện sinh hoạt cũng khiến người dân không quá mặn mà với nơi ở mới hay việc làm thiếu ổn định cũng khiến các khu tái định cư thủy điện dần trở nên “lay lắt”.

Từ nghèo đói, hoang tàn

Dự án Quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring (nay là thôn tái định cư Pa Cheng, xã Đăk Long), huyện Đăk Hà được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt từ cuối năm 2009, được kéo dài đến hết năm 2018. Tổng diện tích quy hoạch của dự án là 690 ha; trong đó, đất quy hoạch điểm dân cư là 110 ha, quy hoạch đất sản xuất 580 ha. Dự án sẽ bố trí ổn định dân cư cho 300 hộ với 1.500 nhân khẩu, thiếu đất sản xuất do ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông. Tổng mức vốn đầu tư của dự án gần 149 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số hơn 300 hộ dân thuộc diện di dời đến thôn tái định cư Pa Cheng, đến nay, mới chỉ có 126 hộ với 647 nhân khẩu đến nơi ở mới. Trong số đó, chỉ có 74 hộ ở cố định tại khu tái định cư, còn 42 hộ chỉ lên canh tác nông nghiệp rồi lại quay về làng cũ sinh sống.

Hàng chục căn nhà bỏ hoang tại thôn tái định cư thủy điện Xô Luông, xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum do người dân thiếu đất sản xuất. (Ảnh: TTXVN).

 

Anh A Tuyin (sinh năm 1986, thôn tái định cư Pa Cheng) cho biết, trước đây anh ở làng Kon Trang Long Loi. Năm 2010, anh được nhận 300 m2 đất và 0,5 ha cà phê sản xuất từ Dự án Quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring. Từ 2010 – 2019, anh chỉ lên thôn tái định cư để làm nông nghiệp, rồi quay trở về làng cũ để nghỉ. Đến năm 2019, anh được nhận 28 triệu đồng từ Ủy ban nhân dân huyện để xây nhà ở tại khu tái định cư.

Với số tiền khá ít ỏi, anh A Tuyin phải vay mượn thêm 100 triệu đồng để xây dựng căn nhà; trong đó, có 80 triệu đồng anh phải vay “chợ đen” với lãi suất lên đến 30 – 40%/năm. Đến nay, anh mới chỉ trả được 20 triệu đồng, số tiền còn lại vẫn đang nợ. Dù không nằm trong danh sách hộ nghèo, nhưng rõ ràng, cái nghèo vẫn đang bủa vây lấy gia đình anh.

Một trường hợp khác khá tương đồng là anh A Đen (sinh năm 1981, thôn tái định cư Pa Cheng). Cũng từ làng cũ Kon Trang Long Loi đến Pa Cheng, anh được nhận từ Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà 20 triệu đồng vào năm 2019. Số tiền không đủ làm nhà, anh buộc phải bán mảnh đất ở xã Đăk La, huyện Đăk Hà được 40 triệu đồng, vay Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội Phụ nữ được 50 triệu đồng, vay ngoài với lãi suất cao 20 triệu đồng. Tổng cộng, anh đã phải vay thêm 110 triệu đồng để xây dựng được căn nhà.

“Diện tích 5 sào cà phê được giao để canh tác nông nghiệp xấu quá, dù có bón phân cũng không cải thiện được là bao. Mỗi năm gia đình tôi chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng từ cà phê, trả nợ dần dần. Đến nay, tôi vẫn còn nợ khoảng 70 triệu đồng”, anh A Đen nói.

Chính vì phải vay mượn thêm để đủ tiền xây nhà, nên nhiều gia đình không lên sinh sống tại thôn tái định cư, mà chọn về lại nơi ở cũ. Số tiền mà Ủy ban nhân dân huyện giao để xây nhà, các hộ dân này vẫn nhận và xây nên những căn nhà sơ sài, bởi nếu không xây, thì số tiền trên sẽ bị huyện thu hồi.

Theo quan sát của phóng viên, ngay khi đến thôn tái định cư Pa Cheng, không khó để nhận ra những ngôi nhà “ma”, trống huơ trống hoắc, không có người ở. Phần lớn những ngôi nhà này được xây tạm bợ, không tô, trát, không cửa nẻo. Chỉ có một vài hộ dân sinh sống trong những căn nhà đã được vay mượn thêm để xây, hoặc không có điều kiện, thì ở tạm bợ trong những căn nhà có giá trị chỉ vỏn vẹn 20 – 30 triệu đồng.

“Làng Kon Trang Long Loi có 26 hộ thuộc diện di dời lên thôn tái định cư Pa Cheng này, nhưng bây giờ chỉ có 10 hộ lên thôi. Những gia đình khác họ không dám vay, không dám nợ, vì sợ không có tiền trả nên không lên. Chúng tôi cũng khuyên bảo lên đây ở, nhưng họ nhất quyết từ chối, chỉ xây căn nhà đúng giá tiền mà huyện cho, rồi lại quay về làng cũ”, anh A Tuyin chia sẻ.

Đến không có việc làm ổn định

Dự án Thủy điện Đăk Đrinh do Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh làm chủ đầu tư khởi công năm 2009, với hai tổ máy có tổng công suất lắp máy là 125 MW. Dự án thành phần di dân, tái định cư – tái định canh nằm trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, đã hoàn thành việc di dân 192 hộ, 843 nhân khẩu đến nơi ở mới vào năm 2013.

Khi triển khai dự án, mỗi hộ gia đình được xây dựng một nhà ở tái định cư, các công trình phụ và bố trí 800 – 1.000 m2 đất ở và đất vườn; 0,4 ha đất trồng lúa nước và 1 ha đất sản xuất nương rẫy.

Ông Phạm Thanh Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Nên, huyện Kon Plông cho biết, 192 hộ người dân tộc thiểu số Ca Dong của xã phải di chuyển đến nơi ở mới là thôn Xô Luông cách nơi ở cũ 10 km, cũng thuộc địa phận xã Đăk Nên. Tuy nhiên, tình trạng thiếu đất canh tác, thiếu bãi chăn thả gia súc, thiếu nước sinh hoạt và canh tác là tình trạng phổ biến. Vì vậy, người dân không thể an cư tại nơi ở mới. Nhiều hộ đã quay về sinh sống tại làng cũ 10 km, chấp nhận điều kiện nơi đây đất dốc và có nguy cơ sạt lở cao.

Chỉ về hướng quả đồi – nơi có 10 căn nhà tái định cư bỏ hoang – anh Đinh Văn Lương (thôn Xô Luông, xã Đăk Nên) cho phóng viên TTXVN biết, những hộ dân trên đã không đến thôn tái định cư để ở, bởi họ không biết phải làm gì để sinh nhai. Không có người ở 10 năm nay, những căn nhà tái định cư bỏ hoang đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục, công trình đã đổ, vỡ. Thậm chí, một số căn nhà đã bị tốc mái hoàn toàn.

Quay trở lại với thôn tái định cư Pa Cheng, huyện Đăk Hà, mỗi hộ dân tái định cư được cấp 0,5 ha cà phê để canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, số cà phê này chủ yếu được trồng trên đất cằn, khó phát triển. Vì vậy, những hộ dân nơi đây không thể có được khoản thu nhập như mong muốn.

Anh A Tuyin cho biết, với diện tích cà phê được cấp, anh đã mua phân về để bón, nhưng cũng không cải thiện chất lượng là bao. Không chỉ vậy, với số cà phê ít ỏi đó, anh cũng không tốn quá nhiều thời gian để chăm sóc, nhưng cũng không có thêm đất để canh tác các loại cây công nghiệp khác. Chính vì không có đủ đất sản xuất, người dân ở thôn Pa Cheng chỉ biết ở nhà, hoặc quây quần bên những hộ dân gần nhà.

Ông Bloong Tiến, Trưởng Ban Dân tộc – Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum cho rằng, việc di dân, tái định cư thủy điện mang lại tác động tích cực là giúp người dân tiếp cận được cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, khó khăn nhất là phải khôi phục và phát triển sản xuất thời kỳ hậu tái định cư, khi đất đai của người dân bị ngập, bị thu hồi dẫn đến thiếu đất sản xuất.

“Kết quả giám sát của Ban dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy, mặc dù các dự án thủy điện đều triển khai các chính sách hỗ trợ ổn định cuộc sống của người dân sau tái định cư nhưng tỷ lệ nghèo của hộ dân tộc thiểu số ở các điểm, khu tái định cư vẫn cao hơn mức bình quân chung của các hộ dân tộc thiểu số; các chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển sinh kế sau tái định cư còn chưa hiệu quả”, ông Bloong Tiến cho biết thêm.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.