Lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm trong quí III/2020

Trong quí III, bên cạnh những ngân hàng tăng tốc phục hồi mạnh trở lại vẫn có một số ghi nhận lợi nhuận giảm so cùng kì năm trước.
Nhiều ngân hàng sụt giảm lợi nhuận trong quí III/2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VCCI).

Tính đến 26/10, đã có khoảng 15 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quí III/2020. Bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng đang dần rõ nét, xuất hiện nhiều cái tên đã vượt chỉ tiêu cả năm như LienVietPostBank, MSB... Bên cạnh đó, vẫn có những nhà băng ghi nhận lợi nhuận giảm đáng kể so với cùng kì năm trước.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quí III/2020 của Vietcombank, lợi nhuận trước thuế đạt 4.983 tỉ đồng, giảm 21% so với quí III/2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.996 tỉ đồng, giảm 20,9%. 

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm lợi nhuận quí III là những nguồn thu chính sụt giảm giảm cùng với chi phí tăng.

Trong quí, hai nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần và thu từ hoạt động dịch vụ đều lần lượt giảm 1,5% và 1,6%, xuống 8.723 tỉ và 1.257 tỉ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm 38,9% xuống 540 tỉ đồng.

Trong khi đó, chi phí hoạt động của ngân hàng lại tăng 9,5% lên 4.579 tỉ đồng và chi phí dự phòng tăng đáng kể 34,7% lên 2.025 tỉ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Vietcombank đạt 15.965 tỉ đồng, giảm 9,4% so với cùng kì 2019.

Tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế quí III sụt giảm 12,9%, đạt hơn 897 tỉ đồng. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận còn lại 716 tỉ đồng, giảm 7,2%. Dù vượt chỉ tiêu cả năm, nhưng kết quả kinh doanh của Saigonbank đã giảm mạnh so với cùng kì năm trước. 

Việc tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro là lí do dẫn tới việc sụt giảm lợi nhuận của ngân hàng.  Chi phí dự phòng rủi ro quí III của Sacombank đã lên tới hơn 1.287 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với quí III/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm, khoản chi phí này ở mức 2.853 tỉ đồng, tăng 69,4% so với cùng kì năm trước. 

Tương tự, lợi nhuận của Saigonbank đã giảm mạnh so với cùng kì năm trước, giảm 60,5% xuống 52,2 tỉ đồng. Cụ thể, trong quí III, nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần đã giảm 35,7% mang về 135 tỉ đồng. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh lên 20,9 tỉ đồng, gần gấp đôi mức 10,8 tỉ đồng của năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng giảm 19,7% mang về 177 tỉ đồng.

Trong khi lợi nhuận các ngân hàng trên chịu áp lực giảm từ chi phí dự phòng thì ở một số ngân hàng khác, mặc dù đã cắt giảm cả chi phí dự phòng nhưng lợi nhuận vẫn kém khả quan.

Cụ thể, Kienlongbank dù đã cắt giảm được đáng kể chi phí dự phòng rủi ro trong quí III nhưng lợi nhuận trước thuế trong kì vẫn giảm tới 52% so với cùng kì năm trước, chỉ còn 42 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là lãi thuần của hầu hết hoạt động kinh doanh đều không mấy khả quan khiến tổng thu nhập nhập hoạt động của ngân hàng giảm tới 24%.

Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng của Kienlongbank giảm 38,7%, đạt 116 tỉ đồng.

Tương tự, tại Bac A Bank, chi phí dự phòng đã được cắt giảm tới 44% nhưng lợi nhuận trước thuế quí III vẫn giảm 19,8% mang về 169 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng mang về 522 tỉ đồng trước thuế, giảm 19,2% với cùng kì năm trước.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quí IV/2020 của Ngân hàng Nhà nước, tình hình kinh doanh trong quí III/2020 chưa cải thiện được như kì vọng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại cuộc điều tra trước đó. Tỉ lệ TCTD nhận định tình hình kinh doanh "suy giảm" cao gấp đôi so với kì vọng tại kì điều tra trước.

Quí IV/2020 được nhiều TCTD kì vọng tình hình kinh doanh "cải thiện" (67,6% TCTD) hơn các quí trước. Tuy nhiên, số TCTD đánh giá tình hình kinh doanh năm 2020 "suy giảm nhẹ" so với năm 2019 tiếp tục tăng so với kì điều tra trước, có 48,6% TCTD kì vọng tình hình kinh doanh năm 2020 "cải thiện" hơn năm 2019.

Còn theo nhận định của SSI Research, dù lãi trước thuế năm 2020 của các ngân hàng có thể giảm, nhưng sang năm 2021, khi hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận ngân hàng quốc doanh ước tính sẽ tăng 23% trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng 11,2%.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.