Ngày 25/7 vừa qua, Long An là tỉnh đầu tiên của phía Nam công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại buổi công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, tỉnh Long An có vị trí chiến lược rất quan trọng, truyền thống lịch sử hào hùng, nhiều cơ chế, chính sách đổi mới và đang đứng trước cơ hội phát triển lớn.
Để triển khai Quy hoạch có hiệu quả sau khi được công bố, phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh Long An, về những giải pháp thực hiện.
- Phóng viên: Xin ông cho biết cảm nhận sau khi công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050?
Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Út: Tôi rất vui mừng khi quy hoạch tỉnh được công bố, càng vui hơn khi hội nghị có sự tham dự của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với hơn 300 đại biểu cộng đồng doanh nghiệp; đây là niềm vinh dự không chỉ cho chính quyền tỉnh mà còn cho người dân Long An. Có thể nói, để hiện thực hóa “Khát vọng vươn lên” của tỉnh, trước tiên tỉnh phải có bản quy hoạch chất lượng nhất, hoàn thành trong thời gian nhanh nhất.
Long An là địa phương đầu tiên khu vực phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, đồng thời nội dung quy hoạch được Hội đồng thẩm định của Trung ương, các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá có chất lượng tốt, khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh, thể hiện được khát vọng vươn lên, giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra là “Đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam”.
- Phóng viên: Xin ông chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như thế nào?
Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Út: Có thể nói, việc lập quy hoạch tỉnh gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Trước hết, phương pháp xây dựng quy hoạch tỉnh là phương pháp mới, tích hợp tất cả quy hoạch ngành, lĩnh vực vào bản quy hoạch duy nhất nên việc phối hợp, thống nhất quan điểm, nội dung tích hợp giữa các sở, ngành tỉnh và giữa các bộ ngành cần nhiều thời gian; bên cạnh đó, năm 2021, thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên phối hợp giữa các đơn vị chủ yếu thực hiện trực tuyến, vì vậy ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ quy hoạch.
Tuy nhiên, Quy hoạch tỉnh nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh và sự vào cuộc thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành tỉnh và địa phương cấp huyện nên tiến độ lập quy hoạch tỉnh Long An được đánh giá là khá nhanh so với các địa phương trong cả nước.
Để đạt được kết quả trên, tỉnh xác định nhiệm vụ lập quy hoạch là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong thời gian qua; yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phải thật sự quyết liệt trong thực nhiệm vụ lập quy hoạch.
Tỉnh đã thành lập Hội đồng lập quy hoạch tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Chủ tịch hội đồng và thành viên Hội đồng gồm 30 đồng chí là các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành lập quy hoạch tỉnh; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng quy hoạch. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Long An là tỉnh đầu tiên khu vực phía Nam được phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
- Phóng viên: Để Quy hoạch phát huy hiệu quả, tỉnh Long An có những giải pháp thực hiện như thế nào, thưa ông?
Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Út: Để Quy hoạch phát huy hiệu quả, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung một số giải pháp trọng tâm như tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức nắm rõ định hướng trong quy hoạch; xem đây là động lực để cán bộ, công chức, viên chức phải có tư duy - hành động mới và làm việc hết sức, hết mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch để thực hiện thật cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để chủ động trong triển khai. Ngoài ra, thực hiện rà soát, lập mới, điều chỉnh các quy hoạch mang tính chất chuyên ngành kỹ thuật, quy hoạch đô thị, nông thôn để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh làm cơ sở thực hiện và thu hút đầu tư.
Tỉnh cũng sẽ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Tỉnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổ số trên các lĩnh vực quan trọng của tỉnh.
Và cuối cùng, phát triển kinh tế phải hài hòa với giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển cân đối giữa các ngành, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường để chạy theo phát triển kinh tế đơn thuần; xem con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; như mục tiêu cuối cùng trong quy hoạch đã đề ra “người dân Long An có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc”.
- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!