Ngày 26/6, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử Sơ thẩm bà Võ Thị Minh Nguyệt, nguyên là Chuyên viên Ban tổ chức, thuộc Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Nguyệt tại phiên tòa. Ảnh: Trang Anh. |
Theo cáo trạng của VKS, bà Võ Thị Minh Nguyệt, trong thời gian công tác tại Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk đã dùng thủ đoạn lừa chạy việc để chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Cụ thể, từ 4/2012 đến 4/2013, mặc dù không có khả năng xin việc vào một số cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhưng bà Nguyệt đã “tung tin” mình có khả năng để chiếm đoạt 560 triệu đồng của 7 người.
Không những thế, mặc dù biết bản thân không có khả năng chi trả số tiền nhận chạy việc, nhưng bà Nguyệt tiếp tục vay của bà Bùi Thị Hồng Vân (trú tại phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) 200 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng. Số tiền vay được, Nguyệt không đáo hạn ngân hàng mà dùng để trả nợ cá nhân, đến hạn Nguyệt chỉ trả cho Vân 10 triệu đồng.
Qua quá trình làm việc với bà Nguyệt, Liên đoàn lao động tỉnh đã thu được nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan đến vấn đề chạy việc nên đã giao nộp cho Cơ quan công an. Bên cạnh đó, trong quá trình lấy lời khai, bà Vân cũng đưa ra tin nhắn từ số điện thoại bà Nguyệt gửi cho mình với nội dung cam kết trong tháng 4/2013 sẽ xin được việc cho 3 người.
Người phụ nữ 'quảng cáo' xin việc vào ngành công an để lừa tiền |
Nhưng phiên tòa xét xử hôm nay, bị cáo Nguyệt cho rằng bị cáo không hề nhận tiền chạy việc của bất kì ai mà chỉ vay mượn tiền thông qua Vân.
“Tất cả số tiền đều được bị cáo vay và trả, tất cả đều được xóa sổ nên bị cáo không quan tâm”, bị cáo trả lời HĐXX.
Khi HĐXX hỏi về số điện thoại được cho là của bị cáo dùng để nhắn tin cho Vân, bị cáo trả lời rằng, số điện thoại này của bị cáo đã cho người em từ cuối năm 2012, từ đó đến nay bị cáo không sử dụng nên không biết tin nhắn trên.
Trước HĐXX, bị cáo Nguyệt còn cho rằng, trước đó Vân đã đưa cho bị cáo tờ giấy trắng, không có nội dung gì và yêu cầu bị cáo kí vào. Sau đó, bị cáo Nguyệt lại trả lời rằng, bị cáo kí vào để nhờ Vân đi xem bói giúp.
Tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng bị cáo Nguyệt không những không thành khẩn khai báo, mà quanh co chối tội nên cần xử lí nghiêm, đảm bảo đúng người, đúng tội. Nhưng do bị cáo có nhân thân tốt, lại nuôi con nhỏ nên đại diện VKS yêu cầu mức án 13-14 năm đối với bị cáo Nguyệt.
Cũng tại đây, đại diện vị luật sư lại bác bỏ ý kiến của VKS và cho rằng, không đủ bằng chứng để chứng minh bị cáo Nguyệt “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Vị luật sư đưa ra trường hợp của bà Phạm Hồng Ngọc, khi hai bên thỏa thuận 80 triệu để xin việc, nhưng bà Ngọc lại đưa 100 triệu. Theo vị luật sư đây là tình tiết không thể nào xảy ra, mà chỉ có VKS mới có thể hình dung ra được. Đại diện vị Luật sư yêu cầu HĐXX xem xét, và tuyên bị cáo Nguyệt không phạm tội lừa đảo.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyệt 12 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 Bộ luật hình sự. Đồng thời, bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.