Phan Hết Gas Hết Số - cái tên “nổi tiếng bất đắc dĩ” trên mạng
Đặt tên con kiểu "tên xấu dễ nuôi" tưởng chỉ có trong quá khứ nhưng nay vẫn còn.
1. Bé trai 8 tháng tuổi ấy được cha đặt cho cái tên hết sức ấn tượng là Phan Hết Gas Hết Số. Cái tên có một không hai này xuất hiện trong một hình ảnh chụp từ danh sách chờ khám bệnh tại một bệnh viện và nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng. Nhiều ý kiến bàn tán sôi nổi xung quanh chuyện những cái tên.
Tìm hiểu thông tin được biết gia đình cháu bé này ở xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, An Giang.
Chia sẻ về lí do đặt tên này cho con, người cha trẻ bày tỏ mong muốn tên con là kỷ niệm một thời đam mê tốc độ của cha, mong con mình lớn lên sẽ mạnh mẽ trong cuộc sống, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn...
Do tên quá lạ và có chữ Gas (không phải chữ tiếng Việt), cán bộ chính quyền địa phương đã gặp gỡ gia đình để giải thích các quy định pháp luật về hộ tịch, đề nghị tìm một cái tên khác đặt cho bé vì cái tên này không đáp ứng quy định đặt tên theo đúng pháp luật.
Bé trai này vẫn chưa được làm giấy khai sinh.
2. Chuyện ở một trường THCS huyện Chợ Mới, An Giang. Một nam sinh được cha mẹ đặt cho cái tên Ng.V.C. (C. là chữ viết tắt từ chỉ bộ phận sinh dục nam).
Một cái tên thường nghe ở vùng quê nhưng khi tên này vào khai sinh, đi học, bản thân học sinh bao phen bối rối vì bị bạn bè trêu chọc, các cô giáo không khỏi ngượng miệng khi gọi tên em.
Khi C. vào lớp 6, nhà trường đã vận động gia đình đổi tên cho em nhưng không được.
Vẫn cách nghĩ cũ "tên xấu dễ nuôi", phụ huynh không những không đồng ý mà còn trả lời: "Tên gắn liền với "sinh mệnh" của con tui, đổi tên có việc gì xảy ra ai chịu trách nhiệm?".
C. hát rất hay. Có lần, trong chương trình thi văn nghệ chào mừng 20/11, tới phần giới thiệu em Ng.V.C. diễn, đáng lẽ giáo viên nữ giới thiệu, thầy giáo tế nhị đỡ lời. Nhưng thầy cũng lướt thật nhẹ nhàng âm cuối.
Tiếng học trò nghịch ngợm nhao nhao bên dưới sân khấu: "Tới tiết mục của thằng C. lớp mình kìa tụi bây".
Tiếng cười rộ lên, C. ngượng đến mức lên không nổi mấy nốt cao trong bài Thầy cô cho em mùa xuân. Nhưng năng khiếu ca hát đủ để em đoạt giải khuyến khích.
Sau đó, ban giám hiệu một lần nữa vào cuộc vận động gia đình chấp thuận đổi tên cho em. Từ giữa năm lớp 8, thầy cô và bạn bè gọi em là Cư.
Thoát khỏi những ngượng ngùng vì cái tên, em tự tin hơn rất nhiều, nhiệt tình tham gia các phong trào văn nghệ do trường và địa phương tổ chức. Năm học vừa rồi, trong một cuộc thi văn nghệ em đã đoạt giải nhất.
3. Bạn ra đời, không được nhà nội nhìn nhận, cha mẹ chia tay nhau. Rơi - cái tên thật buồn này được ghi vào khai sinh. Bạn bè, vô tình hay cố ý bỡn cợt vẫn thường gọi bạn gái ấy là "con Rơi", tuổi học trò của bạn trăm ngàn lần tổn thương vì cái tên.
Xung quanh ta cũng có không ít thằng "Hận", con "Thù" - cái tên do cha mẹ đặt mà không nghĩ đến cảm nhận, tương lai của trẻ. Có thể là suy nghĩ nhất thời, cảm tính của người đặt tên nhưng "hậu quả" lại lâu dài vì tên có thể theo suốt đời một con người gây bất tiện và cả mặc cảm...
Người ta từng biết đến các trường hợp đặt tên con kỳ lạ như "Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi" ở Quảng Nam. Hay những cái tên dài đến 30 chữ cái, đọc lên 7-8 tiếng, đến mức không thể ghi đầy đủ vào các biểu mẫu giấy tờ, bằng cấp (vì không đủ chỗ), đành phải ghi tắt.
Đặt tên con là quyền của cha mẹ. Người lớn có trách nhiệm làm khai sinh cho trẻ, nhưng việc đặt tên quá khác biệt, sử dụng từ thông tục có thể gây khó xử, phiền toái trong cuộc sống.
"Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi" ngày ấy và bây giờ
"Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi" là tên khai sinh của một nam sinh ở Quảng Nam từng thành đề tài về chuyện đặt tên con và những đổi thay khi chàng trai ấy được thay tên.
"Đến khi em tôi sắp thi lớp 9, ba tôi quyết định đổi tên em từ Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi thành Mai Hoàng Long để em thoát khỏi ám ảnh bị trêu chọc, bị "soi" vì cái tên quá đặc biệt" - anh Mai Hoàng Hải (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ về cái tên ngộ nghĩnh gắn liền với quá khứ của em trai mình.
Năm 1987, ba anh Hải là ông Mai Xuân Cán có người con thứ năm. Ông phải nộp phạt sáu nghìn rưỡi mới cho đăng ký khai sinh (vì sinh nhiều con), ông lấy luôn mức tiền phạt đó để đặt tên cho con trai.
Và cậu bé Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi thường xuyên bị bạn học chọc ghẹo, đã không chịu đến trường. Khi con trễ học 2 năm, người cha quyết định thay cái tên "lạ" của con mình. Nam sinh tên lạ lại đến trường với tên Mai Hoàng Long. Hiện nay anh Long đang là thợ bảo trì cho một khách sạn tại Đà Nẵng.
Theo anh Mai Hoàng Hải, có thể nói một cách không mê tín rằng trường hợp của em anh là "đổi tên, đổi cả số phận".
"Khi còn mang tên quá đặc biệt, em trai tôi rất nhút nhát, tâm lí không được thoải mái. Dù chẳng ai làm gì mình nhưng em tôi rất không thoải mái, có khi bị trầm cảm luôn.
Đổi sang tên mới, trước tiên là số ký tự ngắn lại, em tôi thoát được cảm giác bị soi mói vì tên dài và lạ.
Dù với gia đình tôi bây giờ, cái tên cũ là một kỷ niệm. Nhưng lúc đó ba tôi cảm thấy có lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến tâm lí của con thời gian dài" - anh Hải nói.
TRƯỜNG TRUNG ghi
Tên gây phiền, nên đổi sớm
Hiện nay, cán bộ hộ tịch các phường, xã có giải thích các quy định về đặt tên khai sinh đối với những tên có thể gây phiền cả đời nhưng có khi cha mẹ vẫn quyết giữ quan điểm. Nếu tên không có gì sai so với quy định pháp luật, cán bộ hộ tịch không thể từ chối.
Công dân có thể xin đổi tên nếu có lí do chính đáng. Với trẻ em còn nhỏ tuổi, chưa làm giấy chứng minh nhân dân, chưa có nhiều giấy tờ quan trọng liên quan cần thay đổi như người lớn, việc đổi tên cũng tiện lợi nhiều phần. Người lớn cần sớm thay đổi tên phù hợp để giúp con tránh rắc rối và cả tổn thương từ cái tên cha mẹ đặt cho.