'Mất đà' đầu năm: Đừng quá bi quan, không cần vội vàng!

Kì vọng tăng giá cổ phiếu vào dịp đầu năm mới như thường thấy đã không còn nữa dưới áp lực của dịch bệnh Covid-19. Toan tính của các nhà đầu tư nay cũng khác đi ít nhiều trong bối cảnh dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán đang giảm dần, dù viễn cảnh tương lai vẫn khá tươi sáng.

Thị trường “mất đà”

Đầu năm Âm lịch, thị trường chứng khoán đã có lúc rơi vào trạng thái “hoảng loạn” khi chỉ số VN-Index giảm về mức 890 điểm. Theo ghi nhận của TBKTSG, ngay trong những phiên giao dịch đầu năm, cổ phiếu nhiều nhóm ngành đã “vấp” phải phản ứng tiêu cực từ các nhà đầu tư dưới sức ép chưa từng có của Covid-19. Những “ông lớn” cổ phiếu đầu ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau đều giảm đáng kể trong 12 phiên giao dịch sau Tết. Điển hình là nhóm cổ phiếu ngành hàng không, vốn được cho là ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch.

Những cổ phiếu của doanh nghiệp có sản phẩm bán ở thị trường Trung Quốc cũng chịu tình trạng sụt giảm, chẳng hạn VNM của Vinamilk (đang muốn xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường này) đã giảm 12,1%, về mức 106.000 đồng/cổ phiếu; trong khi VHC của Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn đã giảm 11,62%, về mức 35.000 đồng/cổ phiếu.

Ngành bán lẻ cũng ghi nhận tình trạng giảm tương tự, như cổ phiếu MWG (Thế giới Di Động) giảm 10,15% về mức 107.100 đồng/cổ phiếu hay SAB (Sabeco) giảm 16,84%, về mức 189.800 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu các công ty có sức “hấp dẫn” riêng trong ngành sản xuất như BMP (Nhựa Bình Minh) cũng đã giảm 9,91%, hay HPG (Thép Hòa Phát) giảm 9,89%.

'Mất đà' đầu năm: Đừng quá bi quan, không cần vội vàng! - Ảnh 1.

Trong khi đó, hai lĩnh vực chủ chốt của thị trường chứng khoán là bất động sản hay ngân hàng cũng chịu chung số phận. Chẳng hạn thị giá VIC (Vingroup) giảm 4,26%, VHM (Vinhomes) giảm 2%, VCB (Vietcombank) giảm 4,39%, TCB (Techcombank) giảm 3,72%.

Tuy nhiên, nhóm ngành ngân hàng cũng có sự phân hóa đáng kể với cổ phiếu của VPBank tăng 15% hay ACB tăng 7,76%, mang lại những tín hiệu tích cực hơn cho thị trường sau những phiên “hoảng loạn”.

Nhìn chung, theo số liệu thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) trong thời gian từ 22/1 đến 14/2, các lĩnh vực giảm mạnh nhất lần lượt là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng từ Covid-19 như du lịch và giải trí giảm 12,42%; bảo hiểm giảm 11,6%; thực phẩm và đồ uống giảm 9,71%; bán lẻ mất 8,79%. Ở phía ngược lại, cũng có những nhóm ngành gia tăng vốn hóa, chẳng hạn ngành viễn thông tăng 7,1%, ô tô và phụ tùng (5,1%) và y tế (4,1%).

Trong thời điểm người người đều lo về sức khỏe như hiện nay, lĩnh vực y tế ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng giá bất chấp quy mô lớn nhỏ hay lợi thế cạnh tranh khác nhau. 

Chẳng hạn DHG của Dược Hậu Giang tăng 8,52%, hay IMP của Imexpharm tăng đến 15,6%. Đáng kể là cổ phiếu DNM (Công ty cổ phần Y tế Danameco) tăng đến 75,29%. Ngoài kết quả doanh thu và lợi nhuận trong năm ngoái báo cáo tăng mạnh (số liệu chưa kiểm toán), cổ phiếu ngành dược có quy mô vốn hóa nhỏ được cho là hưởng lợi nhờ hoạt động sản xuất khẩu trang trong giai đoạn khan hàng, giá tăng như hiện nay.

Diễn biến trái chiều cổ phiếu ngành dược được xem là một điểm tích cực hiếm hoi trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng nguyên nhân là do tâm lí ngắn hạn, chứ các công ty dược nội địa hiện không có lợi thế cạnh tranh liên quan trực tiếp đến tình hình dịch bệnh hiện tại. “Các cổ phiếu “ăn theo” được hưởng lợi “sóng ngắn”, nhưng về lâu dài thì khó mà bền vững được”, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia chứng khoán, bình luận.

Chờ điểm cân bằng

Sau những phiên hoảng loạn ngắn hạn vào đầu năm, đến nay có vẻ như thị trường đã “bình tâm” trở lại. Kết thúc tuần giao dịch thứ hai của tháng 2, chỉ số VN-Index ở mức 937,45 điểm ngày 14-2, giảm gần 5,5% so với phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán, và gần 2,5% so với thời điểm đầu năm Dương lịch.

Ông Bùi Văn Huy, Trưởng phòng Phân tích chiến lược thị trường của HSC, cho rằng thị trường tạm cân bằng trong ngắn hạn nhờ lực cầu bắt đáy khi thị trường giảm sâu, dòng tiền mới vào thị trường qua các quỹ ETF, sự tích cực của thị trường chứng khoán thế giới và kỳ vọng của nhà đầu tư với chính sách nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Dù vậy, thách thức với các nhà đầu tư về thị trường bất ổn vẫn còn đó. “Tâm lí vẫn chưa thực sự tốt, thanh khoản khá kém trong những nhịp hồi và diễn biến của dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt”, ông Huy nhận định.

Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy sự ảnh hưởng rộng của dịch bệnh đến gần như mọi lĩnh vực kinh tế. Trong đó, hoạt động đầu tư sẽ suy giảm trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt với khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân.

Với quy mô và sức ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc, dòng vốn trên toàn cầu có xu hướng đảo chiều chứ không chỉ riêng Việt Nam. Theo Công ty Chứng khoán SSI, giá trị rút vốn khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu ở khu vực các nước Đông Á vào tuần đầu tháng 2 đã tăng lên mức cao nhất trong 19 tuần. Theo đó, triển vọng thu hút vốn nước ngoài trên thị trường chứng khoán trong tháng 2 và kể cả các tháng tiếp theo của Việt Nam vì vậy đã giảm xuống mức thấp.

Tất nhiên, diễn biến thị trường tiếp theo như thế nào còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía cơ quan quản lý. Còn hiện tại, đa phần khuyến nghị của các công ty chứng khoán vẫn là ưu tiên quản trị rủi ro ngắn hạn trong bối cảnh thị trường tạm thời cân bằng, với dự báo thị trường vẫn còn khả năng tiếp tục điều chỉnh.

Theo đại diện HSC, khi diễn biến dịch bệnh dịu bớt và thị trường “kiểm định” thành công vùng đáy, các nhà đầu tư có thể tham gia tích lũy những nhóm ngành có triển vọng tích cực, không chịu ảnh hưởng trực tiếp như ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, hay các nhóm ngành mang tính “phòng thủ” như điện, nước. “Không quá bi quan nhưng các nhà đầu tư cũng không cần vội vàng”, ông Huy của HSC chia sẻ trong tầm nhìn về triển vọng thị trường dài hạn vẫn là tươi sáng, dù ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 là rất rõ ràng.

chọn
VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'
TP HCMTheo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".