Mặt hàng nào tiềm năng nhất trên thị trường thủy hải sản châu Âu?

Các nhóm hàng quan trọng nhất mà Châu Âu nhập khẩu trong năm 2019 là giáp xác, cá chế biến và bảo quản, nhuyễn thể và philê cá và thịt cá khác. Các nhóm hàng này chiếm hơn 80% tổng giá trị nhập khẩu.

Trong các nhóm này, các sản phẩm quan trọng nhất là tôm, cá ngừ, mực nang và mực ống, và nhiều loại cá philê.

Giá trị nhập khẩu của các mặt hàng thủy sản đã giảm từ 15,8 tỉ USD năm 2018 xuống 15,1 tỉ USD năm 2019. Việc giảm nhẹ giá trị chủ yếu ảnh hưởng đến HS0306 (động vật giáp xác), HS0307 (động vật thân mềm) và HS0304 (philê cá). 

Các quốc gia xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề chỉ bắt đầu phục hồi vào tháng 4, khi các nhà máy chế biến bắt đầu sản xuất trở lại. 

Về dài hạn, khối lượng sản xuất cũng có thể bị ảnh hưởng do người nuôi ngừng dự trữ vì họ không thấy trước nhu cầu sẽ tăng sớm.

Tuy nhiên, tại các thị trường lớn, nhu cầu về các sản phẩm tiện lợi hơn trong việc nấu nướng và sử dụng trong gia đình tăng lên.

Mặc dù vẫn chưa có dữ liệu, nhưng các sản phẩm thủy sản đông lạnh cũng như các sản phẩm chế biến  sẵn được kì vọng sẽ tăng lên, vì người tiêu dùng không cảm thấy thoải mái khi mua các sản phẩm tươi sống trên thị trường.

Giáp xác

Các loài giáp xác chiếm 24% tổng kim ngạch nhập khẩu của Châu Âu từ các nước đang phát triển, với tổng trị giá lên tới 3,7 tỉ USD. 

Trong tổng nhập khẩu giáp xác của châu Âu, khoảng 87% có nguồn gốc từ các nước đang phát triển. 

Các loài giáp xác xuất khẩu sang châu Âu từ các nước đang phát triển bao gồm nhiều loại sản phẩm đông lạnh. 

Trong đó quan trọng nhất là tôm nước ấm (95%), tôm hùm đá (2,5%) và cua (1%).

Hầu hết các loài giáp xác mà các nước châu Âu thu mua là tôm nước ấm đông lạnh (3,5 tỉ USD). 

Tôm nước ấm bao gồm tất cả các loại tôm, nhưng phần lớn là tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương từ Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Ecuador. 

Một loài tôm nước ấm khác được xuất khẩu với số lượng lớn sang châu Âu là tôm sú, chủ yếu có nguồn gốc từ Bangladesh, Việt Nam và Madagascar.

Có hai cách chính để tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương tiếp cận thị trường châu Âu. 

Một là thông qua các cửa hàng bán lẻ hoặc dịch vụ ăn uống. Hai là thông qua các nhà máy chế biến, nơi chúng được chế biến thêm trước khi được tiêu thụ.

Tất cả các nước Châu Âu đều nhập khẩu sản phẩm tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương bóc vỏ chủ yếu từ Ấn Độ và Việt Nam. 

Tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương không chỉ được nhập khẩu dưới danh mục giáp xác (HS0306) mà còn được nhập khẩu theo nhóm giáp xác chế biến và bảo quản (HS1605). 

Tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương nhập khẩu dưới dạng sơ chế và bảo quản phải trải qua ít nhất hai bước xử lí.

Tôm chế biến và bảo quản chiếm khoảng 23% tổng nhập khẩu tôm nước ấm của Châu Âu.

Liên quan đến các sản phẩm tôm tái chế, các nhà chế biến Nam Âu ở Tây Ban Nha, Pháp và Italia thu mua tôm còn nguyên vỏ từ Ecuador và một số nước ở Trung Mỹ. 

Họ chế biến tôm tại các cơ sở chế biến ở châu Âu và bán sản phẩm của họ dưới dạng sản phẩm đã nấu chín, làm mới tại thị trường nội địa của họ.

Tôm sú được người châu Âu coi là loại tôm thượng hạng so với tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương.  Thị trường chính của nó là ở Tây Bắc Châu Âu và ở Pháp. 

Nếu dành cho thị trường bán buôn, nó thường có nguồn gốc từ Bangladesh. Nếu lấy nguồn để bán lẻ thì sản phẩm thường được nhập khẩu từ Việt Nam và Madagascar.

Ngoài tôm, các loài khác trong nhóm giáp xác là tôm hùm đá và cua. Nhập khẩu tôm hùm đá từ các nước đang phát triển là 78 triệu USD vào năm 2019, trong khi cua đông lạnh trị giá 49 triệu USD.

Những sản phẩm này cũng chủ yếu dành cho ngành dịch vụ thực phẩm. Tùy thuộc vào thị trường đích, nhập khẩu có thể phục hồi trong tương lai gần sau khi lượng hàng hiện tại trong kho lạnh được tiêu thụ. 

Nếu giá nguyên liệu thô tại nơi sản xuất thấp do nhu cầu toàn cầu thấp, thì điều này có thể hỗ trợ việc phục hồi khối lượng nhập khẩu. 

Một vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra là, với việc giá nguyên liệu thô giảm tại nơi sản xuất và giá hàng tồn kho giá cao ở châu Âu giảm có thể có sự điều chỉnh giá khi thị trường tăng nhu cầu trở lại.

Điều này có thể làm trì hoãn thêm việc phục hồi sản phẩm nhập khẩu.

Thủy hải sản chế biến và bảo quản

Thuỷ hải sản chế biến và bảo quản là loại sản phẩm lớn thứ hai mà người châu Âu tiêu thụ trong năm 2019, sau giáp xác. 

Có thể hiểu là vì người tiêu dùng muốn sử dụng thực phẩm đơn giản, chế biến sẵn và tiện lợi. 

Với nhu cầu ngày càng tăng đối với thủy sản chế biến, thị trường thuỷ hải sản đóng hộp toàn cầu đang tăng lên. 

Trong năm 2019, châu Âu đã nhập khẩu tổng trị giá 3,3 tỉ USD thủy sản chế biến và bảo quản từ các nước đang phát triển, cao hơn một chút so với cùng kì năm 2017, được báo cáo là 3,1 tỉ USD.

Mặc dù phân khúc này bao gồm nhiều loài và sản phẩm khác nhau, nhưng cá ngừ chiếm ưu thế trong số đó. 

Cá ngừ chiếm 76,1% tổng số các sản phẩm chế biến và bảo quản từ các nước đang phát triển nhập khẩu vào châu Âu, tương đương 2,5 tỉ USD. 

Tất nhiên, điều này bao gồm cá ngừ đóng hộp, nhưng cũng có thăn cá ngừ (nấu chín trước và đông lạnh), thường được sử dụng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp đóng hộp châu Âu.

Ngành công nghiệp đóng hộp cá ngừ của Châu Âu tập trung ở Nam Âu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Italia và Pháp. 

Tây Ban Nha dẫn đầu sản lượng thủy sản đóng hộp của châu Âu với hơn 343 nghìn tấn trọng lượng sản phẩm được sản xuất, trị giá 1,5 tỉ EUR (~1,8 tỉ USD). 

Tây Ban Nha sản xuất 70% lượng cá ngừ đóng hộp được chế biến ở châu Âu.

Bên cạnh thăn cá ngừ và cá ngừ đóng hộp, các loại hải sản chính được tiêu thụ trong phân khúc này là cá cơm chế biến và bảo quản (211 triệu USD), cá mòi (189 triệu USD) và cá thu (25 triệu USD). 

Trong số những loài này, cá ngừ sẽ là lựa chọn tốt nhất. 

Nó không chỉ là sản phẩm được tiêu thụ lớn nhất ở châu Âu, mà trong lịch sử, châu Âu còn duy trì một phần lớn nhu cầu về cá ngừ bằng cách nhập khẩu cá ngừ từ các nước ngoài châu Âu.

Các nhà cung cấp ngoài châu Âu cung cấp 64% khối lượng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp, chủ yếu từ Ecuador, Seychelles, Philippines, Mauritius và Ghana. Trong khi đó, 60,5% cá mòi đóng hộp nhập khẩu ở châu Âu được sản xuất bởi các nhà cung cấp không thuộc EU (chủ yếu là Maroc). 

Các nước ngoài EU cung cấp 79% lượng cá cơm đóng hộp nhập khẩu vào châu Âu, trong đó Maroc chiếm 59% tổng thị phần trong số các nhà cung cấp ngoài Liên minh châu Âu. 

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu sang châu Âu cung cấp 83% lượng cá thu đóng hộp cho các nhà sản xuất châu Âu.

Mực ống, mực nang và bạch tuộc

Động vật thân mềm, chẳng hạn như mực, mực nang và bạch tuộc, là một sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang châu Âu từ các nước đang phát triển. 

Cách thức nhập khẩu các loài này được báo cáo trong dữ liệu thương mại của châu Âu đã thay đổi từ năm 2016 đến năm 2017, điều này gây khó khăn cho việc xem xét xu hướng dài hạn.

Năm 2019, các nhà xuất khẩu động vật thân mềm chính là Maroc (670 triệu USD), Ấn Độ (345 triệu USD), Mauritania (301 triệu USD), Trung Quốc (298 triệu USD) và Peru (297 triệu USD). 

Ở Nam Âu, thị trường xuất khẩu lớn nhất, các nước trên chiếm ưu thế về mặt thương mại. 

Tuy nhiên, các nước khác như Senegal, Thái Lan, Argentina, Nam Phi, Indonesia và Việt Nam cũng là các nhà xuất khẩu lớn sang Nam Âu.

Mực, mực nang và bạch tuộc (HS0307) chiếm 50% tổng kim ngạch nhập khẩu nhuyễn thể của châu Âu từ các nước đang phát triển trong năm 2019. 

Trong khi nhập khẩu năm 2019 (2,6 tỉ USD) thấp hơn năm 2018 (3 tỉ USD), đây là phân khúc mà các nước đang phát triển chiếm ưu thế.

Nam Âu chiếm gần 88% tổng giá trị nhập khẩu của Châu Âu đối với mực và mực nang từ các nước đang phát triển. 

Nam Âu chiếm 59% sản phẩm nhập khẩu từ các nước đang phát triển, giá trị nhập khẩu là 2,3 tỉ USD trong tổng giá trị nhập khẩu 3,9 tỉ USD.

Cụ thể, đối với bạch tuộc đông lạnh, châu Âu chủ yếu nhập khẩu từ Maroc (381 triệu USD) và Mauritania (203 triệu USD), với một số giá trị nhỏ hơn nhập khẩu từ Senegal, Indonesia và Mexico.

Philê thủy sản đông lạnh

Năm 2019, châu Âu nhập khẩu 64% philê thuỷ sản từ các nước đang phát triển với tổng trị giá 3,2 tỉ USD trong tổng số 5 tỉ USD nhập khẩu từ thế giới. 

Trái ngược với hầu hết các loại thuỷ và hải sản nhập khẩu khác, điểm đến chính của philê thuỷ sản không phải là Nam Âu mà là Tây Bắc Âu.

Năm 2019, theo dữ liệu từ TradeMap, Tây Bắc Âu nhập khẩu philê thuỷ sản trị giá 1,5 tỉ USD từ các nước đang phát triển, cao hơn 1,1 tỉ USD giá trị nhập khẩu của Nam Âu.. 

Nhập khẩu của Tây Bắc Âu đã tăng từ 1,3 tỉ USD vào năm 2017 lên 1,5 tỉ USD vào năm 2019.

Nhìn vào nhập khẩu philê thủy sản của châu Âu, các loài quan trọng nhất là cá heke, cá tuyết, cá minh thái Alaska, cá hồi và một nhóm các loài không được xác định trong dữ liệu hải quan. 

Hầu hết các sản phẩm philê thuỷ sản này không được chế biến hoàn toàn tại quốc gia sản xuất chúng. 

Cá hồi được sản xuất ở Chile và Argentina và cá minh thái Alaska được sản xuất chủ yếu ở Mỹ và Nga. 

Quá trình sơ chế được thực hiện tại nước sản xuất, sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc các địa điểm tái chế khác, rã đông, philê, tái đông lạnh và xuất khẩu đến thị trường cuối cùng.

Các loài thuỷ sản ngoại lai như cá tra, cá ngừ, cá chẽm, cá mú, cá rô phi, cá dẹt và cá rô sông Nile có tổng giá trị nhập khẩu thấp hơn nhưng là có thể là cơ hội tốt hơn cho bạn nếu bạn muốn xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu. 

Các sản phẩm này thường được bán trực tiếp cho thị trường đầu mối châu Âu, thay vì đi qua Trung Quốc.

Một số loài này được xuất khẩu sang châu Âu với số lượng đáng kể.

Ví dụ, thị trường châu Âu cho philê cá tra, được định giá là 233 triệu USD vào năm 2019. 

Các thị trường chính của cá tra là Hà Lan, Đức và Vương quốc Anh. Với sự cạnh tranh toàn cầu đối với cá tra ngày càng tăng, các nhà nhập khẩu ở châu Âu có thể mở cửa cho nguồn hàng từ các nhà sản xuất mới. 

Trong khi đó, cá rô phi (trị giá 51 triệu USD năm 2019) đã giảm giá trị so với năm 2014 (78 triệu USD). 

Cá rô phi gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các lựa chọn thay thế rẻ hơn như cá tra và cá minh thái Alaska.

Nhiều loài philê thủy sản khác cũng tìm đường sang thị trường châu Âu.

Các loài cá được bán dưới dạng philê khác bao gồm cá ngừ, cá kiếm và các loài cá rạn khác nhau (cá chẽm, cá mú, cá hồng) vẫn chưa tập trung được vào một thị trường chính.

Không giống như cá tra, cá rô phi và cá rô sông Nile, phần lớn được bán ở thị trường bán lẻ, các loài khác chủ yếu được bán trong dịch vụ thực phẩm và kinh doanh bán buôn của châu Âu.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.