May – Diêm Sài Gòn trúng thầu hai dự án nhà ở đô thị hơn 2.000 tỷ tại Phú Thọ

Khu nhà ở đô thị Hà Lộc, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ có diện tích 17,4 ha, tổng mức đầu tư hơn 831 tỷ đồng, còn Khu nhà ở đô thị Thanh Sơn, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn rộng hơn 23,4 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.191 tỷ đồng, đều do CTCP May - Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư.

UBND tỉnh Phú Thọ vừa ra quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở đô thị Hà Lộc, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ và Khu nhà ở đô thị Thanh Sơn, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn.

Theo quyết định, nhà đầu tư trúng thầu hai dự án này là CTCP May - Diêm Sài Gòn.

Dự án Khu nhà ở đô thị Hà Lộc, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ có diện tích 17,4 ha. Trong đó, đất ở có diện tích gần 6,1 ha; đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật và cây xanh là trên 10,5 ha; đất giáo dục gần 0,25 ha; đất công cộng là 0,55 ha.

Vị trí giới hạn phía bắc giáp đường dẫn vào trạm thu phí IC9; phía nam giáp đường Hùng Vương; phía đông giáp đường Hồ Chí Minh; phía tây giáp cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Quy mô dân số dự kiến gần 3.000 người, trong đó, khu ở liền kề 487 hộ, dân số khoảng 2.000 người; khu nhà ở xã hội 250 hộ, khoảng 1.000 người.

Phú Thọ sơ tuyển nhà đầu tư cho dự án khu nhà ở hơn 850 tỉ đồng - Ảnh 1.

Một góc thị xã Phú Thọ. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 831 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị có hệ thống công trình hạ tầng xã hội và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân...

Theo quyết định, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2025.

Dự án Khu nhà ở đô thị Thanh Sơn có diện tích hơn 23,4 ha, nằm trên địa bàn thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn.

Quy mô dự án gồm có các hạng mục như nhà ở liền kề, công cộng, giáo dục có hình thức kiến trúc hiện đại; cây xanh cảnh quan, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1.191 tỷ đồng, với mục tiêu đầu tư khu nhà ở đô thị đồng bộ về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, một phần công trình hạ tầng xã hội và nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân; cải tạo môi trường, làm đẹp không gian kiến trúc cảnh quan cho thị trấn Thanh Sơn nói riêng và huyện Thanh Sơn nói chung.

Theo quyết định, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2026.

Về chủ đầu tư, CTCP May - Diêm Sài Gòn là doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn TNG Holdings Vietnam. 

Công ty này có địa chỉ trụ sở chính tại 346 Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TP HCM, tiền thân là nhà máy Diêm Bến Thủy (Vinh) được thành lập từ những năm 20 đầu thế kỷ XX. Đến năm 1948 được dời vào Sài Gòn sau đó đổi tên thành Hãng Diêm SIFA.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hãng Diêm SIFA được Nhà nước tiếp quản quốc hữu hóa và chuyển thành Nhà máy Diêm Hòa Bình trực thuộc Tổng Công ty Giấy - Gỗ - Diêm.

Năm 1994, Bộ Công nghiệp nhẹ có quyết định phê duyệt Điều lệ tổ chức hoạt động Công ty Diêm Hòa Bình, nâng cấp, chuyển đổi Nhà máy thành Công ty Diêm Hòa Bình trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công nghiệp nhẹ), với chức năng và nhiệm vụ hoạt động sản xuất kinh doanh rộng hơn.

Tháng 7/2004, công ty hoàn thành cổ phần hóa, lấy tên là CTCP May - Diêm Sài Gòn (SMG), vốn điều lệ ban đầu là 5,49 tỉ đồng, trong đó 36% phần vốn Nhà nước do Tổng Công ty Giấy Việt Nam nắm giữ.

Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất của SMG, doanh nghiệp có vốn điều lệ 720 tỉ đồng.Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Bùi Huỳnh Phương (sinh năm 1992).

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.