Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, chúng tôi đã về vùng quê thôn Viêm Tây 3 gặp mẹ Thưởng – người Mẹ VNAH được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất với 10 năm đào hầm che dấu cán bộ. Hơn cả, đó là câu chuyện mẹ đang mang thai nhưng bị địch bắt đi tù, tra tấn vẫn kiên trung với cách mạng.
Mặc dù năm nay đã 100 tuổi nhưng mẹ Thưởng vẫn còn rất minh mẫn, nhớ rõ những chuyện mấy chục năm về trước. Mẹ kết duyên cùng ông Lê Mễ sinh được 9 người con. Khi lớn lên, có 3 con theo cha đi cách mạng để giải phóng đất nước.
Mẹ Thưởng năm nay tròn 100 tuổi nhưng khỏe mạnh, minh mẫn, có thể đi lại thăm mọi người. Ảnh: Quang Nam |
Chồng và các con lớn ra trận, mẹ một thân mình gánh vác đủ nghề để nuôi đàn con còn nhỏ dại. “Mẹ giỏi lắm, mẹ làm đủ nghề như bán thuốc, bán hàng tạp hóa, mở quán nước…Khi đó cũng được cách mạng cho gạo, mẹ cũng trồng ngô trồng sắn nuôi con và che dấu cán bộ cách mạng”, mẹ Thưởng nói.
Theo lời mẹ Thưởng, năm 1958 là thời điểm mẹ đào chiếc hầm đầu tiên trong nhà để che giấu cán bộ. Suốt 10 năm sau đó, mẹ đào tổng 13 chiếc hầm ngoài che gấu cán bộ cũng giấu du kích. Dù là phận nữ nhưng ban đêm mẹ lại chong đèn đào hầm, có hầm sâu đến đầu người để địch không phát hiện.
Mẹ Thưởng nói: “Hầm có hầm cạn và hầm sâu, chứa nhiều nhất 3 người. Ngoài ra, còn chứa nhiều dụng cụ phục vụ liên lạc cho cách mạng”.
Khi cán bộ tới nhà dùng hầm trú ẩn, sau đêm che giấu nếu nghi ngờ bị địch dò thám là mẹ lại lấp hầm để đào hầm khác. Chính sự mưu trí đó đã giúp mẹ tránh khỏi nhiều lần kiểm tra của địch.
Mẹ Thưởng chỉ nơi từng là hầm mẹ đào che dấu cán bộ cách mạng. Ảnh: Quang Nam |
Thế nhưng, trong thời gian đào hầm che giấu cán bộ, mẹ Thưởng vẫn bị địch bắt giam, tra tấn hai lần. Theo như lời mẹ, đó là vào trước năm 1964, một cán bộ sau khi trốn dưới hầm của mẹ, trên đường đi đã bị địch bắt. Chúng dùng nhiều đòn roi tra tấn khiến cán bộ khai ra trốn dưới hầm của mẹ Thưởng.
Chúng điên tiết tìm đến nhà mẹ, lùng sục từng ngóc ngách nhỏ nhưng hầm đã bị mẹ lấp từ trước đó vì nghi ngờ có thể bị lộ. Mặc dù không tìm được chứng cứ, chúng vẫn bắt giam mẹ vào tù, dùng đòn roi tra tấn nhưng mẹ không khai dù chỉ nửa lời…
Lúc đó, mẹ Thưởng đang mang thai 1 tháng. Chúng biết điều đó nhưng vẫn tra tấn, nhốt mẹ đến khi sắp sinh con mới thả ra ngoài.
Lần thứ hai là khoảng năm 1964, chồng mẹ là ông Lê Mễ bị bắt giam khi tham gia cách mạng. Chúng dẫn ông Lê Mễ đi ra pháp trường bắn rồi lập tức bắt giam mẹ vì là vợ của Cộng sản.
Mặc dù bị tra tấn bằng những thủ đoạn kinh người nhưng mẹ Thưởng vẫn khẳng khái nói không biết gì. Không tìm được bằng chứng nào kết tội mẹ, chúng đành thả mẹ ra tù.
Di tích cơ sở cách mạng trong nhà mẹ Thưởng được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: Quang Nam |
Sau khi chồng mất, mẹ một thân gồng gánh tiếp tục nuôi dưỡng các con nên người, ăn học thành tài.
Ngày đất nước hòa bình thống nhất, mẹ được Nhà nước phong tặng Bà mẹ VNAH, có chồng có con là liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến. Mẹ được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, gia đình nhận Bảng vàng danh sự chống Mỹ cứu nước.
Năm 2015, Di tích cơ sở cách mạng trong nhà mẹ Thưởng được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thiếp mừng Thọ mẹ Thưởng tròn 100 tuổi. Ảnh: Quang Nam |
Mỗi năm đến ngày Thương binh liệt sĩ, nhiều cán bộ lãnh đạo thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và các lớp thanh niên đến thăm, tặng quà và chia sẻ với mẹ Thưởng.
Đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thiếp mừng Thọ mẹ tròn 100 tuổi.
Chuyện về những người thầm lặng trông nom phần mộ liệt sĩ | |
Thủ tướng dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc |