Hiện tại Apple đang đối mặt với đơn kiện của Epic Games sau khi họ xóa trò chơi đình đám Fortnite khỏi App Store do vi phạm qui định về thanh toán trong app. Epic Games không yêu cầu Apple bồi thường, mà chỉ muốn "Táo khuyết" thay đổi qui định về thanh toán trong ứng dụng.
Trong một văn bản của tòa án hôm 23/8 mà Epic Games công bố, Microsoft đã tuyên bố ủng hộ nguyên đơn.
Ông Kevin Gammill, người phụ trách hoạt động phát triển trải nghiệm chơi game của Microsoft, nhận xét rằng những nhà phát triển ứng dụng có rất ít lựa chọn khi đưa ứng dụng lên App Store.
Fortnite là tựa game di động đình đám nhất thế giới với hơn 350 triệu người chơi. Hôm 13/8, Epic Games, nhà phát hành Fortnite, bổ sung tính năng để người chơi thanh toán trực tiếp qua hệ thống của Epic thay vì App Store - tùy chọn giúp Apple hưởng mức hoa hồng 30% với mỗi giao dịch.
Vài giờ sau khi Epic Games bổ sung tùy chọn thanh toán mới, Apple đã xóa Fortnite khỏi App Store. Google cũng xóa Fortnite khỏi kho ứng dụng Play Store. Ngày 14/8, Epic Games nộp đơn kiện Apple do cạnh tranh không lành mạnh. Họ cũng thực hiện hành động tương tự với Google.
Epic Games phát hành Fortnite vào năm 2017. Trong 2 năm 2018 và 2019, Fortnite là tựa game di động phổ biến nhất toàn cầu. Đến nay, Fortnite có hơn 350 triệu người chơi, mang về doanh thu 1,8 tỉ USD trong năm 2019, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen.
Ra khỏi App Store đồng nghĩa với việc Fortnite mất khả năng tiếp cận hơn 1 tỉ người dùng iPhone và iPad.
Đương nhiên Apple không muốn các ứng dụng thanh toán trực tiếp bởi tính năng ấy sẽ khiến họ không thể hưởng khoản phí giao dịch. Apple giữ lại 30% doanh thu từ các ứng dụng phát hành trên App Store trong năm đầu tiên, rồi giảm xuống mức 15% trong các năm tiếp theo.
Giới phân tích coi 30% là tỉ lệ cao. Nhiều nhà phát triển đã phê phán Apple về tỉ lệ 30% và Epic Games tỏ ra hăng hái nhất trong nỗ lực gây sức ép để Apple thay đổi. Không chỉ Apple, Epic còn từng chỉ trích Google, Microsoft và Valve.
Hôm 29/7, Tổng giám đốc Tim Cook của Apple điều trần trước Tiểu ban Chống độc quyền Hạ viện Mỹ về các hành vi phản cạnh tranh, cùng với người đồng nhiệm của Facebook, Google và Amazon. Họ phải giải thích về hiện tượng chèn ép đối thủ nhỏ hơn, chính sách cho lập trình viên và nhà quảng cáo.
Tim Cook đưa ra nhiều lập luận để biện hộ cho Apple khi các nghị sĩ cáo buộc tập đoàn thường xuyên lợi dụng thế độc quyền của App Store để triệt hạ đối thủ.
“Apple đối xử công bằng với mọi nhà phát triển bằng những qui tắc công khai và minh bạch. Với sự quan tâm sâu sắc đến quyền riêng tư, bảo mật và chất lượng, chúng tôi kiểm tra mọi ứng dụng trước khi phát hành chúng, và chúng tôi áp dụng qui trình đối với mọi nhà phát triển”, Tim Cook nói.
Chỉ hơn một tuần sau, vào ngày 7/8, Apple tuyên bố họ không chấp nhận các dịch vụ chơi game đám mây như Microsoft xCloud, Google Stadia và NVIDIA GeForce Now trên App Store. Nếu muốn phát hành trên App Store, các nhà phát triển phải gửi từng game riêng biệt để Apple kiểm duyệt.
Qui định ấy là thách thức với nhà phát hành bởi riêng xCloud đã sở hữu hơn 100 game. Ngược lại, các dịch vụ giải trí trực tuyến khác như Netflix, YouTube hay Spotify vẫn có thể phát hành trên App Store mà không phải tuân thủ qui định tương tự.
Microsoft đã rút phiên bản thử nghiệm xCloud khỏi App Store từ đầu tháng 8. Đến ngày 7/8, họ phê phán qui định của Apple với các dịch vụ chơi game đám mây.
“Một điều đáng tiếc là chúng tôi không có cơ hội mang đến tầm nhìn về chơi game đám mây cho game thủ iOS thông qua App Store, bởi Apple hành xử khắc nghiệt với game theo nhiều cách khác nhau, song nhẹ tay với các ứng dụng không phải game ngay cả khi chúng chứa nội dung tương tác”, một phát ngôn viên Microsoft thổ lộ.