Nghệ sĩ Minh Nhí cho rằng thị trường thì hài bây giờ hơi bị dễ dãi, nhà nhà làm hài, ai cũng có thể làm hài. |
- Khá lâu rồi mới thấy nghệ sĩ Minh Nhí tâm huyết với một chương trình truyền hình hài thực tế, “Tiếu lâm tứ trụ” có gì thu hút anh đến vậy?
Nghệ thuật và giải trí kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn thì mới có giá trị. Cũng vì yêu thích điều đó nên tôi rất hăm hở, không ngại này đêm tham gia chương trình này. Tôi biết từ hy vọng đến thực tiễn rất gian nan nhưng vẫn muốn cố níu khán giả trở lại hài có sâu sắc, lắng đọng một chút. Chứ không đơn giản xem những cái nhảm nhí xong, cười ha hả rồi quên. Vẫn tiếng cười nhưng khi cười là nó phải thấm.
Có lần được mời làm ban giám khảo, khi tôi đang nhận xét nhà sản xuất nhắc đừng nói về học thuật nhiều quá, cứ khen đi, cần độ giải trí nhiều hơn. Nghe thế mình xìu xuống luôn, lẽ nào không có người ủng hộ cho những cái hài đàng hoàng sao, giờ có người ủng hộ, tôi sẽ làm hết mình.
Để có được một tiểu phẩm hài chất lượng thì kịch bản phải tốt, trong chương trình này thí sinh tự viết kịch bản hay có sự tham gia của ban giám khảo?
Trong “Tiếu lâm tứ trụ” thì kịch bản không chỉ của một người mà là cả tập thể cùng tham gia sáng tạo, góp ý, dàn dựng. Có đội chơi, sau 5 - 6 lần chỉnh sửa mới ra được một tiểu phẩm hoàn chỉnh. Nhưng để các bạn trẻ nỗ lực sáng tạo thì trước tiên phải để các bạn tự nghĩ ra và viết. Giống như học trong trường sân khấu, học sinh tự nghĩ ra kịch bản, sau đó thầy cô mới kiểm tra xem có chủ đề tư tưởng hay không, nếu hơi phản cảm… sẽ chuốt lại như một đạo diễn chuốt bài.
Nghệ sĩ Minh Nhí và nghệ sĩ Đức Hải. |
Anh nhìn nhận thế nào về thị trường hài Việt Nam bây giờ, nhất là thị hiếu của người xem?
Thị hiếu thì tôi không dám nói vì đây là nhu cầu của khán giả. Còn thị trường thì hài bây giờ hơi bị dễ dãi, nhà nhà làm hài, ai cũng có thể làm hài. Những trò hề, video phản cảm quăng lên giống như trên mạng xã hội cũng được xem là hài. Muốn làm diễn viên hài vì thế cũng dễ quá, không cần học, quen với một ngôi sao hài, tự quay video đã xưng là diễn viên đi làm hài.
Anh nghĩ gì khi một số người trẻ bắt đầu tham gia nghệ thuật thường dùng từ “thánh” để khẳng định tài năng của mình?
Đó là lạm dụng ngôn ngữ, đều là tự phong chứ không có ai phong cho hot boy hài, kiều nữ hài, nữ hoàng hài hay vua hài, thánh hài. Thầy của tôi, hay thầy của thầy tôi dạy cho bao học trò cũng không ai dám nhận là thánh. Ở trong hài không ai là số một, đừng có ai tưởng mình là vua của làng hài. Vì nghệ thuật muôn màu muôn vẻ không bao giờ có giới hạn.
Thế tại sao trong chương trình “Tiếu lâm tứ trụ” lại xuất hiện Thánh hài Hoạt hình Minh Nhí, thánh hài Tỉnh queo Hồng Vân, thánh hài Trào phúng Thanh Thủy và thánh hài Tạp kỹ Đức Hải?
(Cười) Bốn vị thánh ở đây là giỡn trong câu chuyện tiếu lâm, thực ra ngoài đời không phải là thánh, chúng tôi chỉ là nghệ sĩ thôi. Tên chương trình là “Tiếu lâm tứ trụ” mang yếu tố kiếm hiệp kỳ ảo với một không gian và thời gian không xác định. Cho nên, 4 nghệ sĩ tham gia sẽ trở thành cao thủ hài ẩn danh đi lựa chọn các môn sinh giỏi nhất cho hài phái của mình, đích thân huấn luyện họ thành một đội để tỷ thí, tranh ngôi vị quán quân.
Không thích nghỉ ngơi quá nhiều
Đối với Minh Nhí khi giảng dạy mục đích tối cao là học trò phải diễn giỏi. |
Được biết, nghệ sĩ hài Minh Nhí khi đứng trên bục giảng rất nghiêm khắc và nóng tính, anh còn mất kiểm soát về hành động, ngôn từ?
Tôi chỉ hơi nghiêm khắc thôi, từ những ngày đầu tiên giảng dạy đến bây giờ quan điểm dạy học của tôi vẫn không thay đổi. Mục đích tối cao là học trò phải diễn giỏi.
Trong suốt quá trình bạn học tôi, chỉ ngày đầu tiên là khách sáo, bắt đầu qua ngày thứ hai không khách sáo nữa. Tôi chỉ có câu duy nhất là “Tụi con đã bước vào lớp của thầy, tụi con là con của thầy. Thầy là cha của tụi con, thầy cố gắng không dạy sai tụi con, còn tất cả những cái chửi mắng, nạt nộ, la hét, văng giầy văng dép … tất cả những cái đó cho thầy xin lỗi trước”.
Tôi muốn học trò khi ra đường, hỏi học ai, dõng dạc trả lời học Minh Nhí nên phải cố gắng để các bạn sợ rồi biết nghe lời. Học thuật tôi không bao giờ dạy sai, bởi lương tâm không cho phép. Kinh nghiệm tôi cũng truyền hết cho học trò, dù học trò nổi tiếng hơn, có giàu hơn thì cũng không hề hối hận, tôi thấy lại càng hạnh phúc.
Làm công tác giảng dạy, truyền lại kinh nghiệm tích lũy cả đời cho thế hệ trẻ, anh thấy mình đã nhận lại được những gì?
Nhờ dạy học tụi nhỏ nên tôi còn bắt nhịp được với các bạn, học cái thanh xuân, trẻ trung, sáng tạo của tụi nó, kể cả cách diễn xuất. Nếu bảo thủ, không tiếp xúc với người trẻ, cách diễn của tôi sẽ trở thành nhân tố diễn hài theo kiểu xưa. Khi truyền lại kinh nghiệm, học thuật bài bản thì ngược lại mình học được những sáng tạo mới, học cái đáng học.
Trong chương này anh tham gia với vai trò một người thầy đúng nghĩa dạy dỗ thí sinh bằng nghiệp vụ sư phạm hay đơn thuần chỉ là người hướng dẫn?
Có lẽ cả hai, thí sinh tham gia chương trình cũng giống như học trò trên lớp, nhiều bạn tự tin đã từng đi diễn nhưng vẫn cần học lại học thuật để không chạy theo cái nhảm nhí nhiều quá.
Lịch làm việc kín mít, anh bố trí thời gian nghỉ ngơi cho bản thân và gia đình như thế nào?
Hình như ít lắm, ngày mới của tôi bắt đầu trung bình 8h sáng, 9h ra khỏi nhà đi tập, đi quay, đi diễn sự kiện, đi dạy. Tối thứ 2,3,4 được nghỉ nói là nghỉ ngơi nhưng chỉ không diễn thôi. Nhưng tôi thích như vậy, nhiều thời gian nghỉ ngơi quá đồng nghĩa mình bị bỏ rơi, không còn quan trọng và ế show.
Xin cảm ơn anh!