Khi chuyển sang cơ chế độc lập, tự chủ trong hoạt động, nếu các nhà hát không có phong cách riêng, bản sắc riêng, khán giả riêng thì sẽ khó tồn tại. Đó là cảnh báo của hầu hết các văn nghệ sĩ, nhà quản lý trong hội thảo “Vai trò chỉ đạo nghệ thuật của các nhà hát Hà Nội hiện nay” do Hội Sân khấu Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức ngày 28-9.
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho biết: Sân khấu của chúng ta hiện đang có một vấn đề lớn là các nhà hát đang rất thiếu phong cách riêng, chính xác là thiếu cán bộ chỉ đạo nghệ thuật thực sự. Người chỉ đạo nghệ thuật thông thường là giám đốc các nhà hát. Về mặt chuyên môn, điều đó không đúng. Vì vậy, hiện nay, sân khấu đang bị tình trạng “xem một đoàn biết được nhiều đoàn”.
Nhiều văn nghệ sĩ cho rằng các nhà hát hiện nay đang thiếu người chỉ đạo nghệ thuật thực thụ |
Các nhà hát chưa xác định được đâu là thế mạnh riêng của từng đơn vị nên chỉ chạy theo cái mà nơi khác đã thành công. Chủ trương đó không sai, nhất là trong tình trạng các nhà hát đang phải dùng hài kịch để lấy ngắn nuôi dài như. Nhưng chỉ chạy theo thị hiếu, hoặc lấy những cách chọc cười, tức thời ấy làm mục tiêu thì không ổn.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định: Chỉ đạo nghệ thuật của các nhà hát ở Hà Nội là con đẻ của cơ chế bao cấp và là cán bộ “3 trong 1” – vừa là nghệ sĩ, chiến sĩ vừa là cán bộ quản lý. Các tác phẩm chủ yếu mang tính phục vụ chính trị. Đó là thời kỳ lịch sử đặc biệt với cơ chế bao cấp đã tạo ra người chỉ đạo nghệ thuật đặc biệt của lịch sử sân khấu Việt Nam.
Các đại biểu cũng chỉ ra rằng nhà hát sẽ khó tồn tại và phát triển nếu thiếu vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật đủ tâm và tầm |
Nhà biên kịch, nhà báo Lê Quý Hiền thẳng thắn chỉ ra rằng tình trạng thiếu người chỉ đạo nghệ thuật đích thực không chỉ là hiện tượng của riêng sân khấu Thủ đô Hà Nội. Bởi lẽ, các phần giới thiệu vở diễn, bên cạnh những thành phần sáng tạo còn có thêm dòng “chỉ đạo nghệ thuật”. Họ thường là Giám đốc nhà hát , có khi còn là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, thậm chí có Giám đốc nhà hát vốn là Phó Giám đốc phụ trách tài chính mới được bổ nhiệm cũng là “chỉ đạo nghệ thuật”. Người chỉ đạo nghệ thuật như thế khó có thể đảm bảo vai trò của họ trong thực tế.
Để có một phong cách riêng, cần có một kịch mục tạo nên diện mạo nhà hát nhưng các nhà hát chưa có và nhiệm vụ của “chỉ đạo nghệ thuật” trong lĩnh vực này bị bỏ trống. Việc lựa chọn kịch bản dựng vở nhiều khi dựa theo sự thân quen và đạo diễn nhận kịch bản như hình thức khoán trắng.
Vở diễn như một công trình và kịch bản như bản thiết kế đã được duyệt. Phòng Nghệ thuật của Nhà hát như bộ phận giám sát công trình nhưng khi vở ra mắt lại khác xa kịch bản được duyệt. Khi kết cấu bị thay đổi như thế, kịch bản thiếu tính thống nhất. Đạo diễn tham gia vào kịch bản như thầy cầm tay trò viết, cuối cùng chữ chả phải của thầy mà cũng chả phải của trò.
Chỉ đạo nghệ thuật bị biến thành chỉ đạo quan hệ có thể thấy rõ nhất qua các Liên hoan sân khấu. Nhiều đơn vị chọn kịch bản theo vị trí lãnh đạo của tác giả để mong có giải thưởng. Tác giả có vị trí quan trọng càng có nhiều đoàn chọn kịch bản của tác giả đó và khi rời vị trí thì kịch bản cũng thưa thớt dần. Việc chọn đạo diễn cũng vậy. Mỗi năm có 15 đến 20 đạo diễn ra trường. 10 năm nay có hàng trăm đạo diễn trẻ nhưng mỗi kỳ liên hoan chỉ thấy các đạo diễn quen. Điều đáng nói là lãnh đạo đoàn cũng luôn là đạo diễn. Khi hết làm lãnh đạo thì vai trò đạo diễn cũng hết.
Khán giả ngày nay có nhiều sự lựa chọn, không “đói nghệ thuật” như xưa, cứ có văn công về làng là hồ hởi đến xem. Vì vậy, mỗi nhà hát phải có khán giả riêng, phong cách riêng. Nếu vai trò chỉ đạo nghệ thuật của các đơn vị sân khấu không đi vào thực chất, nếu nhà hát không có người chỉ đạo nghệ thuật đủ tâm, đủ tầm để định hướng phong cách, hướng đi riêng thì sẽ rất khó tồn tại, phát triển. Đó là cảnh báo của nhà biên kịch Lê Quý Hiền và cũng là cảnh báo chung của hầu hết các đại biểu tham gia hội thảo.
XEM THÊM
TP.HCM muốn xây nhà hát hơn 1.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm
UBND TP.HCM vừa trình HĐND TP.HCM về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch sử dụng ... |
'Nhà hát của những giấc mơ' ở đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn có một sân bóng rất đặc biệt, sân bóng duy nhất trên đảo, là nơi những Fan hâm mộ của Messi và ... |
Diễn viên kịch Ngọc Trinh bật khóc khi giành thắng lợi trước Nhà hát Kịch TP.HCM
Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kinh tế tranh chấp hợp tác, đầu tư, dàn dựng, tổ chức biểu diễn nghệ thuật ... |
Vụ kiện của Ngọc Trinh bất ngờ tạm dừng
Sau khi đặt câu hỏi qua lại, phía Ngọc Trinh đã rút một phần yêu cầu kháng cáo tại tòa. Sau khi hội ý, HĐXX ... |