Trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4 - 1/5 và cố gắng từ 30/3, sau khi cơ bản tiêm mũi thứ ba cho các đối tượng chỉ định và có quy định kiểm soát xuất nhập cảnh hợp lý.
Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết đồng ý mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam từ 15/3.
Đón cơ hội phục hồi, trong một tháng gần đây, các doanh nghiệp ồ ạt xin làm dự án nghỉ dưỡng, du lịch, hoặc xin khảo sát, lập quy hoạch, thậm chí công bố chính thức và khởi động bán hàng. Các dự án này có quy mô hàng trăm đến vài chục nghìn ha, thậm chí hàng tỷ USD.
Đầu tháng 3, dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land (Bình Định) do Hưng Thịnh phát triển vừa công bố giai đoạn 1 rộng hơn 623,71 ha, với tổng vốn đầu tư lên đến 47.000 tỷ đồng (hơn hai tỷ USD).
Ngay sau đó, tập đoàn này động thổ dự án nghỉ dưỡng Marriott Quy Nhon Resort & Spa quy mô 100 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.825 tỷ đồng ở TP Quy Nhơn, Bình Định. Dự án có phân khu 250 phòng khách sạn, 390 căn villa.
Một ông lớn BĐS khác là Novaland đã khởi động nhiều chương trình giới thiệu khu phức hợp nghỉ dưỡng - du lịch - giải trí NovaWorld tại phường Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận. Dự án có quy mô 1.000 ha, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD. Sau đó, tập đoàn này cũng chính thức công bố ra mắt dự án Novaworld Mũi Né Marina City tại Mũi Né.
Ở Bình Phước, ngày 20/3, tỉnh chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát, lập quy hoạch và đề xuất các dự án Khu đô thị du lịch hồ Suối Giai, Tây Hồ Bà Mụ Bình Phước của Tập đoàn Sungroup; dự án sân golf kết hợp khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng Chơn Thành của CTCP Phúc An Khang Chơn Thành.
Tại khu vực phía bắc, Bamboo Capital (BCG) đề xuất làm Khu phức hợp đô thị, du lịch nghỉ dưỡng The Coral, với quy mô 546 ha, tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.
Cũng tại địa phương này, Quảng Ninh tìm nhà đầu tư cho "siêu" dự án Monbay Vân Đồn gần 25.000 tỷ đồng, quy mô gần 300 ha.
Tập đoàn T&T Group vừa chính thức khởi động dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông với quy mô gần 500 ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Đây là dự án khu đô thị sinh thái và sân golf có quy mô lớn nhất tỉnh Phú Thọ tính đến thời điểm hiện nay.
Tại Thanh Hóa, Tập đoàn Flamingo cũng công bố sẽ xây dựng tòa tháp Ibiza Party Resort tại Hải Tiến.
Dù không phải là những đại dự án tỷ USD, trong hai tháng gần đây, Tập đoàn FLC liên tiếp đề xuất đầu tư và công bố dự án du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf tại Yên Thủy Hòa Bình 2.883 tỷ đồng; FLC Mega City Bạc Liêu 400 ha; Công viên Sài Gòn Safari quy mô hơn 456 ha và Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn quy mô hơn 910 ha.
Các doanh nghiệp không chỉ tập trung tại các tỉnh thành ven biển, mà còn "kéo nhau" về khu vực Tây Nguyên xin làm dự án.
Gần đây nhất, tại Lâm Đồng, Liên danh CTCP Lã Vọng Group và CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị Hoàng Mai muốn làm dự án Quần thể vui chơi giải trí làng Thụy Sĩ tại khu vực Hồ Đa Khai (Hồ Đa Nhim Thượng), huyện Lạc Dương với quy mô dự kiến khoảng 1.865 ha.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đồng ý cho liên danh CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam, CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới và CTCP Tập đoàn Đầu tư ISRAEL khảo sát, nghiên cứu tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án Quần thể vui chơi giải trí làng Châu Âu tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh và huyện Lâm Hà quy mô khoảng 18.000 ha.
Đáng chú ý, tháng 2 vừa qua, Novaland đã đề xuất tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, lập dự án đầu tư dự án hồ Đăk Long Thượng 30.000 tại huyện Bảo Lâm.
Ngoài ra Novaland còn nhắm đến tỉnh Đắk Nông với ý tưởng quy hoạch dự án khu du lịch quy mô 23.500 ha tại huyện Đắk Glong và Vườn quốc gia Tà Đùng.
Tại Quảng Nam, Capella Group muốn tài trợ lập quy hoạch dự án Khu đô thị, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tây Bà Nà. FPT đề xuất đầu tư ba dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng 850 ha ở Khánh Hòa. Sáng 23/3, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) đã tiến hành động thổ dự án nghỉ dưỡng tại thị trấn Phước Hải, có tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hậu thuẫn từ mở cửa du lịch và mở cửa các đường bay quốc tế tạo ra nhiều cơ hội mới cho việc phục hồi ngành công nghiệp không khói, đồng thời đem lại nhiều động lực để khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19.
Phát biểu tại tọa đàm "Luồng xanh cho du lịch cất cánh" được tổ chức mới đây, lãnh đạo Tổng Cục Du lịch cho biết, trong tháng 2/2022, lượng khách nội địa đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có hơn 6 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Hai tháng đầu năm, tổng lượng khách nội địa khoảng 17,6 triệu lượt.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030, dự kiến lượng du khách quốc tế trong vài năm tới sẽ đạt ngưỡng 25 triệu - 30 triệu lượt, tăng 80% so với cuối năm 2019. Những con số này cho thấy nhu cầu du lịch của người dân trong nước là rất lớn, cùng với việc mở cửa đón khách quốc tế, dư địa của BĐS nghỉ dưỡng còn nhiều.
Tại tọa đàm do Cafeland tổ chức mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, BĐS nghỉ dưỡng là kênh đầu tư đặc thù phụ thuộc vào du lịch. Trong tương lai gần, khi ngành du lịch vực dậy sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đặc biệt, hiện đang có xu hướng dịch chuyển khu vực đầu tư ở loại hình này.
"Trước đây, đầu tư tập trung nhiều vào những khu vực phát triển du lịch mạnh như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long thì bây giờ những khu đi sau như Hồ Tràm, Bình Thuận đang đón nhận nhiều đầu tư từ những chủ đầu tư lớn. Nhu vực này là mức giá vẫn còn thấp so với các thị trường đã phát triển mạnh trước đó, tiềm năng tăng giá lớn", ông Kiệt đánh giá.
Còn chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh khẳng định rằng Covid-19 đã kích hoạt xu hướng đầu tư mới, đó là xu hướng mang tính chất sinh thái, sức khỏe. Các chủ đầu tư cho biết, trong thời kỳ Covid-19, động cơ mua của khách hàng lớn hơn bao giờ hết.
Ông này cho biết, cáo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng có thể thấy rõ xu hướng mua căn nhà thứ hai của các cư dân khu đô thị đã được định hình rất rõ nét. Sống trong các không gian nhỏ hẹp rất dễ lây nhiễm bệnh, do đó người mua quan tâm đến bất động sản thứ hai; bất động sản sinh thái, sức khỏe.
Tại hội thảo về BĐS nghỉ dưỡng vừa diễn ra ở TP Đà Nẵng cuối tháng 2, TS Cấn Văn Lực cho rằng BĐS nghỉ dưỡng có hai lực đẩy để hồi phục. Đó là cung cầu đang ở mức hợp lý, do hai năm qua rất ít dự án mới triển khai.
Thứ hai là sự phục hồi của ngành du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách trở lại Việt Nam, kéo theo đó là nhiều tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô, cũng như nhiều đô thị lớn sẽ thu hút nhà đầu tư quay lại phân khúc này nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai.
Vì vậy, sau hai năm kìm kẹp vì dịch bệnh, việc mở cửa du lịch và lực đẩy từ gói hỗ trợ kinh tế được kỳ vọng là lực đẩy bật mạnh phân khúc BĐS nghỉ dưỡng sau thời gian ngủ đông.