Người Đức Hòa tiếc nhớ chiến mã, hoài niệm ngày ngựa hí vang trời | |
Nài ngựa và uớc mơ đổi đời từ trường đua ngàn tỷ |
Yêu ngựa như con
Người nuôi ngựa đua ở Đức Hòa thường có câu cửa miệng: "Nhất cha nhì con thứ nữa là con ngựa". Ảnh: Duy Phong |
Nhắc đến những người giữ ngựa, phải kể ngay đến ông Phan Văn Chói (ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa), người đã gắn bó với con ngựa gần 60 năm, dành cả một đời người với ngựa.
"Cha truyền con nối" đã 4 đời gia đình ông lấy cái nghiệp nuôi ngựa đua để mưu sinh, tình cảm đối với con vật ấy cũng nặng dần theo năm tháng nên ông không thể bỏ mặc những con ngựa của mình khi trường đua đóng cửa.
Một hàng dài những cái chuồng lạnh lẽo, không ai nghĩ chỉ vài năm trước đây ông sở hữu hàng chục chú ngựa đua. Nay thương lắm, cố lắm ông chỉ giữ lại được hai con trong đó Mã Thành từng chinh chiến hết trận này đến trận khác và rinh không biết bao nhiêu giải thưởng.
“Đối với tôi nó là cuộc sống, là những thứ gắn liền với da thịt nên dù cho có trả giá nào tôi cũng không bán chỉ trừ khi nó già chết thì chịu thôi.
Tôi cũng đã dặn các con của tôi rằng khi còn khả năng là phải giữ ngựa cho bằng mọi giá, nó đã mang lại cho mình những danh vọng trước đây, mình phải có cái tình để coi nó như “con cái” trong nhà”, ông Chói chậm rãi nói.
Khi nghề nuôi ngựa đua ở Đức Hòa bị mai một, những bãi cỏ xanh ngày nào giờ chỉ thưa thớt vài con ngựa còn sót lại. Ảnh: Duy Phong |
Nhìn những con ngựa quẩn quanh trong chuồng, ông Chói xót lắm, biết làm sao khi vó ngựa tung hoành một thời giờ chỉ quanh quẩn trong cái chuồng nhỏ bé. Ông kể, mình không muốn thế nhưng cũng chỉ làm được cái việc dắt ngựa đi vài vòng cho đỡ cuồng chân
Năm 2011, trường đua Phú Thọ đột ngột đóng cửa, người nông dân buồn bã, những con chiến mã cũng dần mất theo.
Lý giải cho điều này ông Huỳnh Nam Sơn (ấp Rừng Sến, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa, Long An) - một mã sư có tiếng cho rằng, người nuôi ngựa đua nhất thiết phải có đường để đua, vừa là để giới thiệu cái tài năng chăn nuôi và giống ngựa của mình.
“Những người nuôi ngựa bây giờ không còn chỗ chơi, trường đua đã ngưng, anh em tụi tui rất buồn.
Buồn vì nuôi ngựa không có đầu ra, không có nơi để phô diễn kỹ năng, sản phẩm của mình chính vì thế mà cái nghề nó mòn dần và có thể mất đi nếu nhà nước không quan tâm đến loại hình thể thao này.
Tôi giờ già rồi, tuy nhiên lớp kế cận vẫn luôn mong mỏi một ngày lại được thắt dây cương, cùng chiến mã lao về phía trước, giành lại vinh quang ngày nào đã một thời vang bóng”, ông Sơn vừa buồn vừa hy vọng.
Mong ngày tái xuất
Nhiều người vẫn gắn bó với con ngựa như hình với bóng, ai cũng mong mỏi một ngày nào đó lại được ngồi trên lưng ngựa chinh phục những đường đua. Ảnh: Duy Phong |
Riêng với mã sư Nhan Văn Trâm, thành viên một trong những gia đình theo nghề nuôi chiến mã lâu đời nhất ở đây cho biết, gia đình ông đã 3 đời theo nghề nuôi, huấn luyện ngựa đua.
Bản thân ông, từ khi còn nhỏ xíu, đã suốt ngày lê la ngoài chuồng ngựa và được ông nội cho tập cưỡi ngựa. Ông nhớ đến những ngày cuối tuần cả ấp rộn ràng ngựa xe, chuẩn bị lên Sài Gòn. Ngựa thì đi ô tô, còn người cưỡi xe máy thẳng tiến Sài Gòn....
“Dân ấp tui có mặt ở trường đua để chăm sóc ngựa, rồi reo hò cổ vũ đến khản cả tiếng. Rồi niềm vui vỡ òa khi ngựa chiến thắng, và rơi lệ khi con ngựa của mình về sau. Nhưng giờ thì ngựa vẫn còn, mà chỉ để ngắm thôi.
Hồi mới chia tay với trường đua, tui thấy lòng trống trải, buồn lắm, ăn ngủ không được, sút cả mấy ký luôn. Giờ thì đỡ rồi, nhưng vẫn nhớ da diết. Lần nào lên Sài Gòn, đi ngang trường đua Phú Thọ tui cũng dừng lại đó rất lâu”, ông Trâm hồi tưởng.
Không riêng gì chủ ngựa và nài các mã phu (người chăm sóc ngựa) cũng rớt nước mắt khi phải từ bỏ công việc chăm sóc ngựa quen thuộc và đó cũng là công việc chính của nhiều thanh niên ngày ấy.
Anh Tuấn (một mã phu trong vùng) chia sẻ: “Nuôi và chăm sóc những con ngựa đã lâu nên tôi rất thích nghề này. Nuôi ngựa vất vả như nuôi con nhỏ nhưng vì yêu mến chúng nên tôi không ngại. Nhưng trước tình thế này, tôi đành gạt mước mắt tạm chia tay với nghề mã phu để tìm cho mình công việc mới”.
Thú vui bàn ngựa của người dân Đức Hòa cũng dần mai một. Tuy chẳng nói với nhau nhưng ai cũng buồn và mong mỏi một ngày tiếng ngựa hí vang. Ảnh: Duy Phong |
Nhìn anh Nguyễn Văn Hậu, 40 tuổi, ở xã Đức Hòa Thượng, cần mẫn với nghề sửa xe, không ai nghĩ anh từng là một nài cự phách trong vùng.
Anh Hậu kể, 14 tuổi anh bắt đầu tập làm nài. Hầu hết những chú nhỏ trong làng đều mơ ước một lần oai phong trên yên ngựa, anh thấy đam mê thế là trốn học để đi học cưỡi ngựa.
“Cái mùi ngựa nó ngấm vào máu thế là gần ba chục năm gắn bó trên lưng ngựa giờ phải về cầm tua vít, kìm, cờ lê… cuộc sống như hết thú vui. Tôi chỉ mong có trường đua lại để tôi quay lại với cái nghề máu mủ ấy”, anh Hậu tiếc nuối.
Cái thuở ấy đã xa lắm rồi, giờ chỉ còn là kỷ niệm, những người có tuổi ở Đức Hòa vẫn canh cánh mong chờ con ngựa lại được sải vó trên những đường đua. Họ mơ về một ngày tiếng ngựa lại hí vang để sống lại một làng quê đã trót mang cái nghiệp nuôi ngựa đua ngót một thế kỷ qua.