TP HCM dự kiến điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình từ 1.402 tỉ đồng lên thành 4.849 tỉ đồng nhằm đảm bảo đồng bộ và phù hợp với quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh này không giải quyết triệt để bài toán về giao thông ở khu vực sân bay.
Cửa ngõ sân bay TSN trên đường Trường Sơn.
Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) trước đây có tổng vốn đầu tư dự án là 1.402 tỉ đồng đã được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư từ 12/2016. Tuy nhiên, tháng 8/2018, Bộ Giao thông Vận tải có Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ sẽ triển khai thực hiện cải tạo, mở rộng nhà ga T1 và T2 hiện hữu đạt công suất 30 triệu hành khách/năm và thực hiện đầu tư xây dựng mới nhà ga T3 với công suất 20 triệu hành khách/năm.
Theo dự báo, khi đó áp lực giao thông tại khu vực này sẽ gia tăng, dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án nhằm đảm bảo đồng bộ và phù hợp với quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Bộ GT-VT phê duyệt điều chỉnh.
Từ 4 làn xe ban đầu, dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa dự kiến mở rộng lên 6 làn xe, từ mặt cắt ngang dài 20 - 22m sẽ nâng lên từ 29,5m, có nơi lên đến 48m, để đáp ứng lượng khách ra vào nhà ga khoảng 50 triệu người mỗi năm. Thời gian thực hiện dự án là từ 2019 - 2024.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, việc điều chỉnh này chỉ là giải quyết bề nổi của vấn đề. Là người có thâm niên công tác và kiến thức về hàng không cũng như sân bay Tân Sơn Nhất, Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang, cựu phi công Nguyễn Thành Trung vẫn bảo lưu quan điểm của ông là “sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng về phía Nam”.
Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, không thể phát triển sân bay về phía Nam, bởi dù có nâng cấp hệ thống giao thông đến mấy đi chăng nữa thì chắc chắn các tuyến đường ở khu vực sân bay như Trường Sơn, Cộng Hòa, Trường Chinh… sẽ quá tải nặng nề. Mà thực tế là các tuyến đường này hằng ngày đã quá tải, không chỉ vào giờ cao điểm mà gần như bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Theo ông Trung, mở rộng sân bay về phía Bắc thì có lợi hơn nhiều: “Tôi vẫn bảo lưu ý kiến mở phía Nam thì đến lúc mật độ sân bay tăng lên thì không thể đi được, không có đường vào. Trước khi mở nhà ga thì phải mở mấy con đường, giờ chỉ mấy con đường đó thì ăn thua gì. Ngay từ đầu tôi đã có ý kiến đất ở phía Bắc còn mênh mông, sân bay thì chật chội, phía Nam không còn đường, giờ cố tình mở nhà ga ở phía Nam thì đường đâu đi, làm mấy đường nữa cũng không đi được”.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kĩ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP HCM) cũng cho rằng, dự án này không cải thiện là bao giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Bởi, Bộ GT-VT đã giao một cái đề tài “không hợp lí” cho TP HCM. Thực tế là ai cũng nhìn thấy việc mở rộng sân bay về phía Nam là một sai lầm bởi khu vực trên đã quá tải. Vì thế, ông Nguyễn Thiện Tống đề nghị Bộ GT-VT cần nghiêm túc đánh giá phương án mở rộng sân bay về hướng Bắc.
“Tôi cho là sai lầm về chiến lược, sẽ để lại hậu quả lâu dài và sẽ phải sửa sai. Thay thì phân bổ lượng khách ra hai bên Bắc - Nam, giảm áp lực cho phía Nam. Cung đường phía Bắc rất thông thoáng, khách đến sân bay từ các vùng Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, miền Tây… đi theo Quốc lộ 1 vào mạn Bắc sân bay. Hiện nay họ bắt buộc đi ngược vào cung đường phía Nam nên hiện nay về chiến lược là sai lầm”.
Cảnh ùn ứ trong sân bay vào mỗi dịp Tết.
Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GT-VT chỉ nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi đó, sân bay Long Thành (Đồng Nai) gần như vẫn chưa thể đi vào hoạt động vào năm 2025 như kế hoạch nên nếu không chuẩn bị phương án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên cao hơn 50 triệu lượt hành khách/năm chắc chắn sẽ bị động trong tương lai, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho kinh tế TP HCM và Việt Nam.
Vì thế, để giải quyết bài toán giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, rất cần có sự đồng bộ trong quy hoạch sân bay ở bên trong và giao thông ở bên ngoài. Đặc biệt, cần phải nghiêm túc nhìn bài toán quy hoạch giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ở góc nhìn lâu dài để tránh tình trạng không đồng bộ, chắp vá và không hiệu quả trong tương lai.