'Môi giới sẽ khó biết bao tải tiền nào của khách hàng là tiền tốt, là tiền xấu'

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, sẽ khó có thể thực hiện việc báo cáo các cơ quan chức năng với giao dịch bất động sản bằng tiền mặt trên 300 triệu đồng khi các quy định chưa đồng bộ.

Trao đổi tại buổi Công bố báo cáo tình hình giao dịch bất động sản quý II và 6 tháng đầu năm 2019 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (ngày 17/7), theo ông Nguyễn Văn Đính sẽ khó có thể thực hiện việc quy định giao dịch bất động sản bằng tiền mặt trên 300 triệu đồng phải có báo cáo về Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước.

Ông Đính cho biết, quy định này không phải mới và đã có từ lâu, các nhà môi giới bất động sản trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề đều có các câu hỏi về "rửa tiền", trong đề thi cũng luôn có một nhóm các câu hỏi liên quan. Thậm chí cũng có những chế tài xử phạt liên quan đến vấn đề trên.

nam-2019-bat-dong-san-van-don-phu-quoc-het-sot-ao-tang-truong-tot

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản. (Ảnh: NDH)

Phó chủ tịch Hội Môi giới khẳng định đã là quy định thì phải làm, và ông ủng hộ việc này, tuy nhiên để làm được hay không thì rất khó.

"Quan điểm của tôi là rất khó làm và khó bắt được hành vi vi phạm trên", ông Đính đưa ra ví dụ: Các sàn môi giới tự thống kê hàng tháng họ bán cái gì, bán bao nhiêu sản phẩm họ còn chưa làm, Hội Môi giới phải tương tác, thương lượng đôi bên cùng có lợi với họ thì họ mới cung cấp, mới thực hiện.

Ông Đính chia sẻ, để có được số liệu từ các sàn, các công ty môi giới, Hiệp Hội sẵn sàng làm thay cho họ việc phân tích thị trường. Một việc đơn giản như vậy mà không làm thì việc thống kê các giao dịch bất động sản bằng tiền mặt là rất khó.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra con số hiện nay trên thị trường có khoảng 300 nghìn nhà môi giới nhưng chỉ có khoảng 30 nghìn người được cấp chứng chỉ. Chính vì vậy việc thực hiện quy định trên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông cũng kiến nghị các chế tài khác phải song hành cùng quy định về Phòng, chống rửa tiền mới có thể thực hiện tốt. "Đơn giản như chưa có quy định nào bắt buộc người mua bất động sản phải giao dịch qua ngân hàng. Người môi giới sẽ không thể nào biết bao tải tiền nào của khách hàng là tiền tốt, bao tải tiền nào là tiền xấu. Để làm được cần phải có quy định chặt chẽ hơn, vì hiện nay còn quản lí rất lỏng lẻo".

Mới đây, Bộ Xây dựng có công văn gửi Sở Xây dựng các tỉnh và thành phố thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Theo đó, các Sở cần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lí bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định. Cần lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lí nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.