Căng thẳng Mỹ-Trung đã gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 lan ra toàn thế giới. Hiếm có ngày nào ông Trump không chỉ trích "dịch hạch từ Trung Quốc" trong các buổi họp báo, Twitter hay bất kì nền tảng nào khác.
"Chúng ta bị Trung Quốc đối xử không công bằng vì đáng ra họ đã thể ngăn chặn virus", ông Trump phát biểu trước các phóng viên vào ngày 15/8.
Theo Bloomberg, một số "diều hâu" chống Trung Quốc trong chính quyền ông Trump, ví dụ như Ngoại trưởng Mike Pompeo muốn tận dụng cơ hội để tái cân bằng mối quan hệ đã kéo dài nhiều thập kỉ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã trì hoãn vô thời hạn cuộc họp về thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Không ai có thể biết trước tình hình có thể trở nên nóng bỏng như thế nào từ nay đến tháng 11, trong khi các hành động khiêu khích của ông Trump ngày càng gia tăng:
- Hôm 14/8, chính quyền ông Trump phê duyệt bán máy bay phản lực quân sự F-16 cho Đài Loan. Ông Trump cũng ra lệnh buộc công ty Trung Quốc sở hữu TikTok phải bán mọi tài sản ở Mỹ, viện dẫn lo ngại về an ninh.
- Đầu tháng 8, ông Trump ra lệnh cấm WeChat, ứng dụng thanh toán di động và mạng xã hội phổ biến được phát triển bởi gã khổng lồ công nghệ Tencent.
- Hôm 15/8, ông Trump khoe khoang về những gì ông đã làm để ngăn chặn Huawei, bao gồm việc thuyết phục các quốc gia khác tránh xa sản phẩm của Trung Quốc. Ông Trump cũng không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục nhắm đến các công ty Trung Quốc khác như Alibaba.
- Trong tháng 8, Nhóm Làm việc của Tổng thống về Thị trường Tài chính nói rằng các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nên đặt ra qui định mới có thể dẫn tới việc hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc.
- Chính quyền ông Trump trừng phạt hàng loạt quan chức Trung Quốc với cáo buộc phá hoại quyền tự trị của Hong Kong và vi phạm nhân quyền đối với nhóm người Hồi giáo thiểu số ở khu tự trị Tân Cương.
- Ông Trump khẳng định Bắc Kinh muốn ông thua trong cuộc bầu cử tháng 11. Hôm 16/8, ông chia sẻ lại bài đăng Twitter của một đồng minh trong Đảng Cộng hòa, lưu ý rằng liên danh tranh cử Đảng Dân chủ Biden-Kamala Harris "không hề đề cập đến Trung Quốc" trong bài phát biểu của họ tuần trước.
Ngoài đại dịch Covid-19 và luật an ninh quốc gia Hong Kong, quan hệ Mỹ-Trung còn nhiều điểm nóng khác, bao gồm công nghệ và quốc phòng.
Ông Trump cũng không còn mặn mà với mối quan hệ với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. "Tôi từng có mối quan hệ tuyệt vời với Chủ tịch Tập. Tôi thích ông ấy, nhưng tôi không còn cảm thấy như trước nữa", ông Trump trả lời trong cuộc phỏng vấn tuần trước với Fox Sports Radio.
Hồi tháng 7, chính quyền ông Trump chính thức phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 14/8, Hải quân Mỹ đã gửi tàu sân bay tới Biển Đông để tiến hành các hoạt động phòng không trên biển.
Cũng trong ngày 14/8, Đài Loan kí thỏa thuận mua 66 máy bay phản lực F-16 mẫu mới nhất do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp Mỹ bán máy bay chiến đấu tiên tiến cho hòn đảo này kể từ khi Tổng thống George H.W. Bush cho phép bán 150 chiếc F-16 năm 1992.
Hôm 16/8, tờ Nikkei Asian Review đưa tin Mỹ đang tập hợp các đồng minh châu Á để thảo luận về việc triển khai tên lửa tầm trung trong khu vực để đối phó việc Trung Quốc tích lũy vũ khí hạt nhân.
Hôm 16/8, quân đội Trung Quốc công bố đoạn phim ghi lại cảnh lực lượng đồn trú tại Hong Kong của nước này bắn đại bác và ngư lôi trong cuộc tập trận ở Biển Đông, Bloomberg cho biết.
Gần đây, quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm các loại vũ khí trên, bao gồm việc phóng ngư lôi trúng mục tiêu từ tàu Huizhou, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có những chỉ trích đối với chính sách của Mỹ. Hôm 16/8, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc cảnh báo Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể đẩy thế giới rơi vào khủng hoảng tài chính.
"Chính sách nới lỏng định lượng không giới hạn chưa từng có tiền lệ của Mỹ thực chất lại phá hủy uy tín của đồng USD, làm xói mòn nền tảng của sự ổn định tài chính toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc Quách Thụ Thanh viết trong tạp chí Qiushi.