'Mối tình' dang dở của PVN và OceanBank

Nguyễn Xuân Sơn bàn bạc và trao đổi với Hà Văn Thắm thu phí khách hàng vay vốn và mua ngoại tệ tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), để chi tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho huy động vốn từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)....

Ngày 27/2 tới đây vụ án Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cùng 47 đồng phạm sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND TP Hà Nội. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 20 ngày.

Lên kế hoạch thống nhất

Theo cáo trạng của TANDTC, cuối năm 2008, sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận với OceanBank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của OceanBank (chiếm 20% cổ phần) đã cử Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) sang làm thành viên HĐQT kiêm chức vụ Tổng Giám đốc (TGĐ) của OceanBank. Thời điểm này Sơn đang là TGĐ Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC).

Sau đó, Sơn đã đề nghị giúp Hà Văn Thắm huy động vốn từ PVN cho OceanBank bằng việc chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng trên tổng số tiền gửi với điều kiện để cho Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí và Sơn được chủ động giải quyết mọi việc.

Do OceanBank là Ngân hàng mới được chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn và Thắm tính toán mức chi thêm này sẽ khoảng trên dưới 01%/năm nên đã chấp nhận đề nghị của Sơn để giúp OceanBank thu hút được nguồn tiền gửi của nhóm khách hàng thuộc PVN.

Để có nguồn chi “chăm sóc khách hàng” theo yêu cầu, Thắm đã sử dụng Công ty Cổ phần BSC Việt Nam (Cty BCS do Thắm thành lập đầu năm 2008) thực hiện việc ký hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng vay vốn tại OceanBank để thu phí.

Lên kế hoạch cụ thể, Thắm đã trực tiếp chỉ đạo và bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang (SN 1975, trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) làm TGĐ Cty BSC. Đồng thời giao cho Nguyễn Văn Hoàn (SN 1977, trú tại Hai Bà Trưng, TP Hà Nội – Nguyên Phó TGĐ OceanBank) phụ trách tín dụng triển khai thực hiện việc ký hợp đồng dịch vụ, thu phí tại các khối nghiệp vụ thuộc Hội sở và các Chi nhánh/Phòng giao dịch OceanBank đối với khách hàng vay vốn để chuyển vào tài khoản của Cty BSC.

Tiếp đến, Thắm giao cho Lê Thị Minh Nguyệt làm thành viên Ban kiểm soát (Nguyệt là người Thắm ủy quyền quản lý tài chính của Cty BSC, tài khoản cá nhân của Thắm và của một số thành viên trong gia đình) thực hiện việc chi “chăm sóc khách hàng” PVN theo yêu cầu của Sơn khi được Thắm chỉ đạo.

moi tinh dang do cua pvn va oceanbank
Hà Văn Thắm (ảnh nhỏ) thu hút được nguồn tiền gửi của nhóm khách hàng thuộc PVN bằng cách chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng trên tổng số tiền gửi

Chỉ đạo các “thuộc cấp” trực tiếp làm việc với khách hàng

Theo lời khai của Nguyễn Minh Thu (SN: 1973, trú tại Đống Đa, TP Hà Nội – nguyên Phó TGĐ phụ trách khối nguồn vốn OceanBank), do trong thời điểm này tỷ giá ngoại tệ giao dịch thực tế trên thị trường cao hơn tỷ giá do Ngân hàng nhà nước (NHNN) quy định, Sơn đã chỉ đạo Thu thực hiện trên toàn hệ thống việc thu thêm tiền chênh lệch ngoài tỷ giá trong hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng, thực hiện bằng cách yêu cầu khách hàng ký các hợp đồng dịch vụ với Cty BSC để thu phí.

Được bàn giao nhiệm vụ từ cấp trên, Hoàn và Thu đã chỉ đạo 3 Khối nghiệp vụ, 14 Chi nhánh thuộc OceanBank trực tiếp thỏa thuận với khách hàng vay vốn và mua ngoại tệ để thu tiền chênh lệch.

Theo đó, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn hoặc mua ngoại tệ, cán bộ tín dụng các khối kinh doanh và các chi nhánh sẽ đàm phán, thỏa thuận với khách hàng về lãi suất thực tế cho vay (lãi suất này được Hội đồng tín dụng thống nhất chỉ đạo) hoặc tỷ giá thực tế giao dịch (tỷ giá này cao hơn tỷ giá quy định của NHNN, được khối nguồn vốn thông báo).

Khi khách hàng đồng ý, cán bộ tín dụng lập hợp đồng tín dụng với lãi suất thấp hơn mức lãi suất thỏa thuận (bằng lãi suất niêm yết hoặc lãi suất tối thiểu đã được Hội đồng tín dụng phê duyệt) hoặc lập hợp đồng mua bán ngoại tệ với tỷ giá bán ra thấp hơn tỷ giá thỏa thuận (bằng hoặc thấp hơn tỷ giá do NHNN quy định. Phần chênh lệch được hợp thức bằng hợp đồng dịch vụ (quản lý tài sản, tư vấn, đầu tư, cung cấp thông tin…) khách hàng sẽ ký kết với Cty BSC dựa trên mẫu hợp đồng do Cty BSC cung cấp phù hợp với số tiền thu thêm của khách hàng.

Sau khi khách hàng ký, hợp đồng dịch vụ được chuyển về để lãnh đạo Cty BSC ký, khách hàng nộp phí dịch vụ vào hai tài khoản của Cty BSC tại OceanBank.

Ngoài hai hình thức thu phí ở trên, đối với một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, có tài sản đảm bảo và giấy tờ pháp lý nhưng không đủ điều kiện vay như không rõ mục đích sử dụng vốn, không có phương án kinh doanh hợp lý, nhu cầu vay vốn quá mức tiêu dùng theo quy định hoặc vay để đảo nợ, nhận lại nợ xấu để thanh lý tài sản,… Thắm đã chỉ đạo Hoàn và Giang sử dụng Cty BSC ký hợp đồng mua các tài sản/bất động sản của khách hàng có kỳ hạn (bằng kỳ hạn vay vốn) rồi dùng tài sản đó để lập phương án vay vốn (theo nhu cầu của khách hàng) tại OceanBank dưới danh nghĩa Cty BSC vay.

Sau đó, số tiền vay được, Cty BSC chuyển cho các khách hàng sử dụng. Khi hết thời hạn hợp đồng mua các tài sản/bất động sản, khách hàng thanh toán cho Cty BSC tiền đã vay cộng thêm một khoản phí dưới hình thức “chăm sóc khách hàng” cho nhóm khách hàng PVN theo yêu cầu của Sơn.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác minh tại Hội sở (Khối khách hàng doanh nghiệp, khối nguồn vốn, khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược) và 14 Chi nhánh của OceanBank kết luận Hoàn là người thông báo chủ trương của Hội sở về việc thu chênh lệch lãi suất cho vay thông qua Cty BSC cho các Khối kinh doanh và các chi nhánh triển khai thực hiện nhiều cuộc họp của Hội đồng tín dụng OceanBank. Tại các cuộc họp này, Hoàn đã nêu chủ trương “thu phí” và Hội đồng tín dụng cũng đã xét duyệt nhiều khoản vay “thu phí” thông qua Cty BSC.

Được biết, Khối nguồn vốn của Hội sở OceanBank là đơn vị thông báo chủ trương thu chênh lệch tỷ giá ngoại tệ bán ra và gửi mẫu hợp đồng dịch vụ cho các Khối kinh doanh và các Chi nhánh triển khai thực hiện...

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.