Mùa tuyển sinh 2017: Khâu kém nhất là đề thi

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi THTP quốc gia năm 2017 kém nhất ở khâu ra đề, do chưa đủ thời gian chuẩn bị ngân hàng câu hỏi.

Sau khi công bố kết quả xét tuyển đợt một, từ 13/8, các trường sẽ xét tuyển bổ sung. Thời gian này, phần lớn trường đại học đã tuyển đủ chỉ tiêu, học sinh cũng xác định nơi nhập học.

Cùng Zing.vn nhìn lại sau ba năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển đại học, cao đẳng, TS Nguyễn Đức Nghĩa có những bình luận thẳng thắn, phân tích sâu về chuyên môn.

Những bất cập sau kỳ thi được Bộ Giáo dục đánh giá thành công

- Thưa TS Nguyễn Đức Nghĩa, ở khâu xét tuyển năm nay, dư luận quan tâm việc nhiều thí sinh đạt 29, 30 điểm vẫn trượt đại học. Ông đánh giá nguyên nhân này do đâu?

- Thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học có nguyên nhân chủ yếu là đề thi chưa có sự phân hóa tốt. Nhìn phổ điểm và điểm chuẩn được công bố tại các trường, chúng ta có thể thấy so với hai năm trước, đề thi năm nay phân hóa tốt ở mức 15-25 điểm. Nhưng sau mức này, từ 8-10 điểm mỗi môn, đề phân hóa chưa tốt, dẫn đến hệ quả điểm chuẩn nhiều trường tăng mạnh.

Vì vậy, những thí sinh dù chênh nhau điểm lẻ trong khoảng 0,12 (một nửa điểm khi làm tròn) cũng có thể từ rớt thành đậu, từ đậu thành rớt, gây bức xúc.

Chúng ta phải thừa nhận rằng đề thi năm nay dễ hơn mọi năm. Nguyên nhân thứ nhất, nội dung kiến thức chỉ thuộc chương trình học lớp 12 nên thí sinh nắm vững kiến thức.

Nguyên nhân thứ hai, nhiều môn thi chuyển phương án từ tự luận sang trắc nghiệm nên thí sinh khó bị điểm liệt, dễ đạt điểm cao.

Đáng ra, với kết cấu như vậy, đề thi cần tăng cường các câu hỏi khó để phân hóa. Nhưng đề đã không đảm bảo được điều đó. Tôi đánh giá đây là khâu yếu nhất trong kỳ thi, nguyên nhân là ngân hàng đề chưa đạt được yêu cầu vì thời gian chuẩn bị chưa đủ.

mua tuyen sinh 2017 khau kem nhat la de thi
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - trong một lần tư vấn trực tuyến trên Zing.vn. Ảnh: Việt Hùng.

- Ông có đánh giá kỳ thi thực sự thành công như kết luận của Bộ GD&ĐT?

- Nếu không có sự việc nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học ở một số ngành y, các trường quân đội, công an, kỳ thi năm nay tạm ổn. Tạm ổn ở đây là việc các trường thấy trước kết quả có tuyển được thí sinh hay không nhờ vào số lượng đăng ký xét tuyển.

Ngoài ra, kỳ thi còn rất nhiều băn khoăn, đáng để bàn luận và cần thiết có những thống kê, giải thích cụ thể từ Bộ GD&ĐT.

- Đó là những băn khoăn gì, thưa ông?

- Thứ nhất, tôi đưa ra những nhận định, đánh giá từ số liệu của Bộ GD&ĐT công bố nhưng không thấy phân tích.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy tổng số thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào đại học năm nay so với đăng ký ban đầu là 300.012 em. Tỷ lệ này so với số thí sinh trên điểm sàn 424.105 em là 70%.

Điều này đặt ra câu hỏi: Có nên cho thí sinh đăng ký nguyện vọng trước khi biết điểm thi để sau đó lại thay đổi? Trước đó, những em dưới điểm sàn cũng đăng ký xét tuyển đại học, kéo theo những vấn đề nhỏ như số tiền đăng ký có được trả lại?

Thứ hai, câu chuyện cộng điểm ưu tiên một lần nữa gây bức xúc, nhất là khi điểm ưu tiên khu vực chiếm phần lớn. Điển hình như ĐH Y Hà Nội, 95% thí sinh được cộng điểm ưu tiên đỗ vào ngành Y đa khoa. Những thí sinh ở khu vực 3 chỉ có cánh cửa hẹp là 5%.

Câu hỏi đặt ra là có nên thu hẹp khu vực ưu tiên bằng cách giảm khoảng cách từ 0,5 điểm cho mỗi đối tượng xuống còn 0,25 hoặc 0,3 điểm. Điều này cần thiết xem xét với các ngành lấy điểm chuẩn cao và mức trúng tuyển hiện nay đã lấy lẻ đến hai chữ số thập phân.

Thứ ba, kỳ thi THPT quốc gia có hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Mục tiêu xét tốt nghiệp dễ dàng đạt được với tỷ lệ rất cao, vì ngoài điểm thi còn dựa vào kết quả học tập ở lớp 12. Vậy, chỉ còn mục đích thứ hai là xét tuyển vào cao đẳng, đại học lại chưa được trọn vẹn.

Mang trong mình cả hai sứ mệnh, đề thi phải đảm bảo yêu cầu tương đối dễ để học sinh tốt nghiệp. Giữa sự giằng co và vướng mắc đó, kết quả cho thấy đề thi không đạt yêu cầu.

Thứ ba, Bộ GD&ĐT cho xét các nguyện vọng trong một đợt bình đẳng. Ví dụ, một thí sinh có nguyện vọng một cũng được xét như em có nguyện vọng 10. Liệu các em đặt nguyện vọng thứ 10 có quan tâm và yêu thích ngành học đó như bạn đăng ký nguyện vọng một?

Điều này dẫn đến việc nhiều học sinh đỗ nhưng không phải vào ngành hay trường yêu thích. Có em đỗ nhưng không muốn nhập học mà chọn xét bổ sung. Liệu ở đợt xét thứ hai này, các em có còn cơ hội?

Thực tế đó khiến nhiều người băn khoăn việc xét bình đẳng tất cả nguyện vọng trong một đợt liệu có cần thiết? Bộ GD&ĐT có nên tạo ra mức chênh lệch giữa các nguyện vọng để học sinh xác định rõ mục tiêu trường/ngành ngay từ đầu?

3 năm thi THPT quốc gia và những lần vỡ trận

- Đây là năm thứ ba triển khai kỳ thi THTP quốc gia, nhìn lại chặng đường này, ông thấy kỳ thi năm nay đã đạt và không đạt được những gì?

- Xét tổng thể kỳ thi THPT quốc gia năm nay đạt được hai mục đích xét tốt nghiệp và đại học. Nhưng đi vào cụ thể, còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng ở một kỳ thi cấp quốc gia trên ba phương diện: Tổ chức thi, đề thi và xét tuyển.

Về tổ chức thi, mỗi năm, Bộ GD&ĐT lại có thay đổi. Nếu như năm đầu tiên (2015), toàn quốc có 38 cụm thi đóng tại 23 tỉnh do các trường đại học chủ trì thì năm 2016 có 120 cụm thi (70 cụm đại học và 50 cụm tốt nghiệp).

Cũng trong năm 2016, 60 tỉnh thành tổ chức thi, không phải trường đại học nào cũng tham gia. Năm 2017, số cụm thi lại giảm còn 63 do sở GD&ĐT chủ trì, không còn cụm thi của các trường đại học.

Bộ GD&ĐT cần phân tích vì sao cụm thi lại có sự thay đổi liên tiếp trong các năm? Cơ sở nào để giao việc tổ chức thi hết cho các tỉnh, thành?

Điều này giải đáp câu hỏi liệu kết quả thi THPT quốc gia có còn được tin cậy, khi ở các cụm thi của sở GD&ĐT, học sinh thi ngay tại trường, làm bài cùng các bạn, thầy cô coi thi cũng có thể đã dạy các em?

Chúng tôi xác định mục tiêu là đề thì phải tuyệt đối chính xác. Đó là trách nhiệm của hội đồng thi, tổ làm đề thi. Vì vậy, Bộ GD&ĐT xác định đề thi là khâu quan trọng, tác động trực tiếp đến thành bại của kỳ thi THPT quốc gia. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT.

Về xét tuyển cao đẳng, đại học, trong năm 2015, mỗi thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào một trường duy nhất, không có thí sinh ảo, tạo sự thu hút ở các trường lớn. Đến khâu xét tuyển, cảnh thí sinh và phụ huynh nháo nhác "rút ra - nộp vào" hồ sơ tại các trường đại học được ví như vỡ trận.

Đến năm 2016, Bộ GD&ĐT cho thí sinh đăng ký vào hai trường và đồng thời trúng tuyển cả 2 trường nên tạo ra sự vỡ trận khác là thí sinh ảo. Nhiều trường top đầu phải hạ điểm chuẩn để xét tuyển bổ sung.

Phương án thi của năm 2017 có sự dung hòa với hai năm trước, tạo ra ý tưởng khá hay, cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, chỉ được trúng tuyển trường duy nhất.

Tuy nhiên, cách xét tuyển này lại kéo theo vấn đề khác về kỹ thuật, nên Bộ GD&ĐT thành lập nhóm xét tuyển miền Bắc và miền Nam. Thời gian các trường và Bộ GD&ĐT chỉ giới hạn trong 3 ngày để lọc ảo và đưa ra điểm trúng tuyển, nên rất căng thẳng.

Kỳ thi năm 2018 sẽ ra sao? Liệu có lặp lại những bất cập cũ hay có những thay đổi bất ngờ mới, không ai nói trước được cả.

- Ông có đề xuất gì để kỳ thi THPT quốc gia ngày càng hoàn thiện?

- Khi kỳ thi THPT quốc gia được tiến hành sau 3 năm, Bộ GD&ĐT cần có những tổng kết nghiêm túc để rút kinh nghiệm, từ tổ chức thi, đề thi, xét tuyển để có một kỳ thi tương đối hợp lý và êm thấm.

Bộ GD&ĐT cần công bố phương án thi sớm, trước thời gian vào năm học, tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.