Theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ, sáng 9/9, Phòng cảnh sát môi trường (PC49) Công an thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng bắt quả tang một cơ sở chế biến mỡ bẩn nằm ngay cạnh bãi rác lớn nhất Đà Nẵng - Khánh Sơn.
Cơ sở sản xuất chế biến mỡ đặt tại địa chỉ tổ 170, Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng) do bà Mai Thị Kim Anh (38 tuổi, trú Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) làm chủ.
Mỡ bốc mùi hôi hám khó chịu. (Ảnh: Báo Tài Nguyên Môi Trường). |
Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện mỡ tươi để dưới nền gạch, ngay bên nhà vệ sinh. Cả khu vực bốc mùi hôi hám khó chịu. Trong các giỏ đựng mỡ, ruồi nhặng lúc nhúc bu bám…
Cơ sở chế biến này nằm ngay bên cạnh bãi rác Khánh Sơn và cách mương xả nước của bãi rác chỉ 5-10 m, đang có 800kg mỡ nước và hơn 100kg mỡ tươi.
|
Thông tin trên báo Tri Thức Trực Tuyến, bà Kim Anh thừa nhận, do không có giấy phép nên bà đi thu gom mỡ heo ở các chợ về chế biến rồi bán lại cho các cơ sở có giấy phép ở Đà Nẵng. Sau đó, số mỡ này được bán ở các chợ lớn trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.
|
Theo PC49, cơ sở này không được cấp phép hoạt động. Đặc biệt, chỗ cơ sở này đang hoạt động là khu vực cấm. Toàn bộ số mỡ bẩn của cơ sở sẽ được cơ quan chức năng đem đi tiêu hủy theo quy định.
|
Được biết, vào tháng 12/2015, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt, yêu cầu bà Kim Anh chấm dứt hoạt động sản xuất mỡ bẩn ở một cơ sở khác. Khi đó, mỡ sản phẩm được sản xuất ra cung cấp cho thị trường Thừa Thiên - Huế, một số chợ của Đà Nẵng… Sau đó, bà này tiếp tục mở một cơ sở khác và bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
Mỡ bẩn độc hại như thế nào?
Thông tin trên báo Đời sống & Pháp luật, việc sử dụng mỡ bẩn để chế biến thực phẩm và những thực phẩm đó đi vào cơ thể là vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe. Nguy hiểm từ khâu nguồn gốc xuất xứ đến khâu chế biến và bảo quản.
Theo các chuyên gia về công nghệ thực phẩm, việc chế biến mỡ lỏng và tóp mỡ từ mỡ heo bẩn bằng phương pháp đun nóng thông thường (nhiệt độ khoảng 180-2000C) không thể loại trừ các chất gây độc và độc tố từ quá trình biến đổi trước đó. Đặc biệt, quá trình đun nóng ở nhiệt độ cao lại tiếp tục làm sản sinh độc tố cho sản phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định: “Việc sử dụng loại mỡ bẩn này để chế biến đồ ăn bán cho khách là vô cùng nguy hiểm, nếu loại mỡ này rán ở nhiệt độ cao trên 180 độ C sẽ sinh ra những chất gây hại như: andehit, chất oxy hóa…
Đặc biệt, các chất này khi rán ở nhiệt độ cao sẽ bay hơi trong không khí và vô cùng nguy hiểm nếu hít phải. Mặt khác, loại mỡ này nếu tái sử dụng sẽ tạo ra nhiều cặn lẫn chung vào mỡ, ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thở khó… Nặng thì, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, có thể gây nên bệnh ung thư nguy hiểm đến tính mạng".
Nói về việc chế biến từ bóng bì, thịt thừa thành mỡ nước, ông Thịnh cho biết thêm, khi chế biến thông thường họ dùng oxy già để tẩy trắng thực phẩm. Tuy nhiên, ô xy già lại không diệt hết được các loại vi khuẩn cũng như mầm bệnh từ lợn như viêm cầu, tai xanh, lở mồm, long móng… Vì thế, việc dùng phải thành phẩm của nhưng con lợn mang bệnh hoặc ủ mầm bệnh thì hậu họa khôn lường đối với sức khỏe.
Không những thế, ô xy già cũng có nhiều loại, nếu mua phải loại không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường thì vô cùng nguy hiểm khi dùng để tẩy trắng thực phẩm. Vì những loại hóa chất độc hại có trong ô xy già sẽ gây ra biến chứng như ảnh hưởng đến thần kinh, rối loạn tiêu hóa và các bộ phận khác trên cơ thể”, ông Thịnh cho biết.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi sử dụng các hộ gia đình phải hết sức lưu ý, không dùng những loại dầu mỡ đón can, đóng chai, bán theo kiểu cân một. Tránh xa những loại dầu, mỡ khổng rõ nguồn gốc và khi sử dụng nếu thấy có mùi lạ phải bỏ ngay không nên tiếc của rồi lại “rước bệnh vào thân”.
An Yên (Tổng hợp)