“Khi Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn, các trường top dưới sẽ dễ tuyển sinh hơn nhưng họ phải cân nhắc bài toán thương hiệu và bài toán về tuyển. Nếu tuyển nhiều, điểm chuẩn thấp quá sẽ ảnh hưởng đến đầu ra. Đầu ra thấp lại ảnh hưởng đầu vào. Trường có lấy 2-3 điểm nhưng tôi nghĩ học sinh không thèm học vì học sẽ lãng phí, tốn tiền 4-5 năm vẫn vô ích”- TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM nhận định khi Bộ bỏ điểm sàn trong năm 2018.
Theo đó, từ năm 2018 thì có một số điều kiện được bổ sung và khi thực hiện các điều kiện đó thì các trường tự xác định điểm sàn.
Cũng theo bà Phụng, các điều kiện tự bổ sung của năm 2018 là các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, hoàn chỉnh trong đó đặc biệt quy định về công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, công khai về tỉ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong 2 năm gần đây, công khai về tỉ xuất đầu tư để đảm bảo sinh viên trong một năm học.
“Khi đã cung cấp cho thí sinh và xã hội các điều kiện để lựa chọn rồi thì bộ không cần quy định điểm sàn nữa mà trao quyền đó cho các trường và xã hội có thông tin để lựa chọn”- bà Phụng cho hay.
Phóng viên báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo các trường đại học xung quanh vấn đề này.
TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM |
Bỏ điểm sàn, dễ cho trường top dưới?
TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM nhận định năm 2018 bỏ điểm sàn là đúng vì điểm sàn hiện nay không còn có ảnh hưởng đến các trường.
“Bao trường xét học bạ rồi phương thức khác không cần thiết điểm sàn nữa”- TS Dũng khẳng định.
TS Dũng cũng cho rằng, việc bỏ điểm sàn cũng không cần lo lắng. Vậy việc các trường nhất là trường top dưới sẽ hạ điểm chuẩn kịch sàn để tuyển cho đủ chỉ tiêu có xảy ra không?
“Làm gì có chuyện đó, theo quy chế, mỗi trường có một chỉ tiêu cố định và trường nào tuyển quá phải phạt, làm sao để tình trạng loạn thế được”- TS Dũng nhấn mạnh.
TS Dũng cũng nêu quan điểm, thị trường sẽ quyết định đến việc tuyển sinh của các trường. Nếu điểm đầu vào quá thấp, kéo theo đầu ra sẽ thấp. Như vậy, sau một thời gian sinh viên ra trường không làm được việc sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của trường, trường sẽ bị đóng cửa.
“Không trường nào đầu vào giảm ở mức quá thấp mà học sinh lùa vào ngay đâu. Chính các trường có ý thức điều đó. Thị trường sẽ quyết định trong tuyển sinh”- TS Dũng cho hay.
TS Dũng cho rằng, việc bỏ điểm sàn năm 2018 là có “lợi” cho các trường top dưới mà từ trước đến nay gặp tình trạng khó tuyển sinh.
Tuy nhiên, theo TS Dũng, các trường top dưới sẽ phải cân nhắc bài toán thương hiệu và bài toán tuyển. Nếu tuyển để lấy chỉ tiêu mà điểm chuẩn thấp quá sẽ ảnh hưởng đến đầu ra.
“Đầu ra ảnh hưởng đầu vào. Học sinh ngay cả 2-3 điểm không thèm học vì học đại họ thế sẽ lãng phí, tốn tiền 4-5 năm vô ích”- TS Dũng nhấn mạnh.
PGS.TS. Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân |
Điểm sàn của các trường lại “chặn” thí sinh?
Không đồng quan điểm, PGS.TS. Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, Bộ GD&ĐT nên công bố điểm sàn còn các trường không cần công bố điểm sàn xét tuyển nếu như giữa nguyên cơ chế tuyển sinh như năm nay.
“Tại sao Bộ phải giữ điểm sàn, vì để đảm bảo chất lượng chung hệ thống đại học. Còn các trường không cần xét điểm sàn bởi vì các trường đều lấy từ trên cao xuống thấp, thí sinh được đăng ký nguyện vọng thoải mái và các nguyện vọng bình đẳng với nhau”- PGS Triệu cho hay.
Cũng theo PGS Triệu, việc Bộ GD& ĐT bỏ điểm sàn tự nhiên các trường đặt barie vào trường: “Trường này đưa ra mức điểm sàn 20 điểm trở lên, thế chặn các em 19 điểm sao?, Tại sao lại “chặn” thế. Bộ GD&ĐT đã đưa ra mức “chặn” để đảm bảo chất lượng chung cho cả hệ thống, còn các trường sao phải chặn các em. Năm ngoái trường X chẳng hạn lấy 20 điểm, nhưng năm nay điểm chuẩn phải lấy thấp hơn thì sao. Vậy cứ phải "điểm sàn" vào trường là 20 điểm thì không cho các em 19 điểm có cơ hội nộp vào sao”- PGS Triệu đặt vấn đề.
Cũng theo PGS Triệu, việc năm nay các trường đưa ra mức điểm nộp hồ sơ xét tuyển là không cần thiết.
“Bộ yêu cầu đưa ra mức điểm nộp hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) của trường thì ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra thôi còn trường phân tích việc đưa ra điểm sàn của năm nay không có ý nghĩa giống như các năm trước”- PGS Triệu nhấn mạnh.
PGS Triệu cho rằng, mức ngưỡng điểm nộp hồ sơ như các năm trước đưa ra trong trường hợp trường hạn chế nguyện vọng của các em vì nếu các em điểm thấp lại nộp hồ sơ vào trường có điểm chuẩn cao thì mất cơ hội ở trường khác, trong khi các thí sinh bị hạn chế chỉ có 4 nguyện vọng.
“Phải để cho các em một hy vọng chứ. Bây giờ các em thích trường nào đó mà cấm các em nộp nguyện vọng vào, biết đâu có ngành nào lấy điểm chuẩn thấp thì sao? Trường đưa ra ngưỡng là 20 điểm, các em 19 điểm thích nhưng không có quyền nộp vào. Trong khi, chỉ tiêu 200 mà trường chỉ lấy được 150. Vì trường trót đưa ra điểm sàn là 20 nên không thể lấy điểm thấp xuống. Vậy tự nhiên công suất đào tạo thì thừa trong khi đó các em lại có nguyện vọng vào học”- PGS Triệu phân tích.
PGS cho rằng, việc đăng ký nguyện vọng là quyền của thí sinh. Theo quy chế hiện nay, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, lại xét từ cao xuống theo quy tắc đó thì thí sinh đỗ trường nào thì vào trường đó, không ảnh hưởng gì đến thí sinh khác.
“Mọi người vẫn tư duy của cơ chế cũ là mọi năm hạn chế nguyện vọng của thí sinh. Chính vì vậy, các trường đặt ra ngưỡng cao sẽ giúp các em tránh mất cơ hội từ những trường có điểm chuẩn quá cao để có cơ hội vào trường khác. Năm nay không có quy định đó nữa. Đấy là cái đặc biệt của tuyển sinh năm nay. Tôi cho rằng, quy chế hiện tại sẽ thuận lợi cho trường và thí sinh. Thí sinh không sợ trượt”- PGS Triệu nhấn mạnh.