Nam Long ổn định lợi nhuận nhờ lãi chuyển nhượng cổ phần, đầu tư gần 1.500 tỷ vào Waterfront Đồng Nai

Trong năm 2020, lợi nhuận của Nam Long tương đối ổn định chủ yếu nhờ lãi chuyển nhượng cổ phần. Tính đến cuối năm, tồn kho của doanh nghiệp tăng mạnh với 11 dự án bất động sản dở dang, tổng giá trị ghi nhận hơn 6.000 tỷ đồng.
Nam Long ổn định lợi nhuận nhờ lãi chuyển nhượng cổ phần, đầu tư gần 1.500 tỷ vào Waterfront Đồng Nai - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh 2020 của Nam Long. (Đơn vị tính: Tỷ đồng).

CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, qua đó cho thấy lợi nhuận của doanh nghiệp tương đối ổn định nhờ lãi chuyển nhượng cổ phần, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính giảm.

Cụ thể trong quý IV/2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 918 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ 2019. Đồng thời, biên lãi gộp của doanh nghiệp cũng giảm từ 39% ở cùng kỳ về 27%, theo đó lợi nhuận gộp trong quý chỉ ghi nhận 250 tỷ đồng. 

Về hoạt động tài chính, doanh thu trong quý của công ty tăng mạnh so với cùng kỳ, từ 22 tỷ đồng lên 649 tỷ đồng, chủ yếu do lãi từ chuyển nhượng cổ phần.

Trước đó, tại sự kiện NLG Day diễn ra vào ngày 5/11/2020, lãnh đạo của Nam Long cho biết, trong năm 2020, doanh nghiệp dự kiến thu về 725 tỷ đồng từ chuyển nhượng vốn tại hai dự án gồm Đồng Nai Waterfront và Paragon Đại Phước. Riêng thương vụ bán vốn tại Đồng Nai Waterfront dự kiến đem về 490 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Nhờ nguồn thu tài chính tăng mạnh, lãi sau thuế trong quý cuối năm 2020 của Nam Long đạt xấp xỉ 633 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế cả năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm 11% xuống mức 2.260 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 16%, xuống còn 850 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu cả năm, doanh thu bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự giảm sâu gần 65% xuống 734 tỷ đồng. 

Bù lại, doanh thu xây dựng của Nam Long tăng gần 77% khi đạt 759 tỷ đồng và doanh thu cung cấp dịch vụ cao gấp 4,6 lần khi đạt 67 tỷ đồng. 

Ngoài ra, doanh nghiệp còn thu về hơn 146 tỷ đồng từ hoạt động chuyển nhượng dự án, song, doanh nghiệp không thuyết minh chi tiết về dự án này.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của công ty gần 13.460 tỷ đồng, tăng 33.5% so với đầu đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng mạnh 40% lên 6.027 tỷ đồng.

Nam Long báo lãi năm 2020 nhờ chuyển nhượng cổ phần, hàng tồn kho tăng mạnh  - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Nam Long.

Danh mục hàng tồn kho của Nam Long đến cuối kỳ có 11 dự án bất động sản dở dang, bao gồm dự án Paragon Đại Phước; dự án Akari; dự án Cần Thơ; dự án Phú Hữu; dự án Novia; dự án Nguyên Sơn; dự án Phước Long B mở rộng; dự án VSIP Hải Phòng; dự án Tân Thuận Đông và dự án Ehome 4 tại Bình Dương.

Bên cạnh đó, danh mục đầu tư tài chính dài hạn của Nam Long cũng tăng hơn 80% lên 3.262 tỷ đồng do phát sinh khoản đầu tư vào Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai, đơn vị phát triển dự án Waterfront City có quy mô 169 ha tại Long Thành, Đồng Nai với giá trị 1.461 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 35,1%.

Trong kỳ, Nam Long đã ký quỹ hơn 585 tỷ đồng trong năm để mua cổ phần tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai, kéo theo phải thu ngắn hạn khác của công ty tăng mạnh lên gần 854 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm cuối năm, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng 56% lên gần 6.740 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn tăng mạnh từ 63 tỷ đồng lên thành 932 tỷ đồng. Các khoản vay này được sử dụng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, nợ dài hạn của Nam Long cũng tăng 40% lên gần 2.354 tỷ đồng. Các khoản vay dài hạn chủ yếu để tài trợ cho dự án khu đô thị Akari City tại TP HCM.

Trong kỳ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Nam Long âm gần 1.067 tỷ đồng, chủ yếu do tăng mạnh hàng tồn kho, trong khi năm 2019 ghi nhận hơn 325 tỷ đồng. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.