Đây là nội dung được khẳng định tại hội nghị Tổng kết công tác đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và sơ kết việc triển khai xây dựng tuyến đường Đông - Tây (giai đoạn I) do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức ngày 8/1, tại TP Tam Điệp.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía đông được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, giao cho Bộ Giao thông vận tải là cơ quan Quyết định đầu tư với 11 dự án, tổng chiều dài là 654 km; trong đó, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có chiều dài 24,5 km chia thành 02 dự án thành phần là: dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài 15,2 km (đi qua 02 tỉnh Nam Định và Ninh Bình) với tổng mức đầu tư trên 1.607 tỷ đồng, khởi công tháng 12/2019, hoàn thành tháng 02/2022; dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài 14,3 km (đi qua thành phố Tam Điệp và 02 huyện Yên Mô, Hoa Lư) với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2020, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 4/2023.
Đây là dự án quan trọng quốc gia, được Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, tỉnh Ninh Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và là một trong các tỉnh sớm hoàn thành việc bàn giao mặt bằng. Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để các dự án được triển khai thuận lợi nhất, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc thuộc trách nhiệm của địa phương, đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự trong suốt quá trình dự án được triển khai.
Tỉnh Ninh Bình hiện đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan quản lý đường bộ trong quá trình khai thác, vận hành dự án, nhất là đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ hành lang an toàn giao thông, cứu hộ, cứu nạn, xử lý các bất cập của dự án.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây (giai đoạn I) được HĐND tỉnh Ninh Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 12/5/2021 có chiều dài 22,95 km. Dự án đi qua thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan với tổng mức đầu tư trên 1.900 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, khởi công tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Đây là dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư trên địa bàn tỉnh do địa phương phê duyệt có yêu cầu kỹ thuật cao, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn nhất. Sau gần hai năm triển khai dự án, đã cơ bản hình thành tuyến trên thực địa và đang từng bước hiện thực hóa thúc đẩy tạo ra hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam của tỉnh.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình Nguyễn Quang Minh đánh giá, giải phóng mặt bằng là công việc khó khăn, phức tạp, là điểm nghẽn, nút thắt và có ý nghĩa then chốt quyết định tiến độ thực hiện dự án.
Chính vì vậy, công tác này cần được quan tâm và triển khai ngay sau khi dự án được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng thì cần phải có những cách làm sáng tạo và huy động được cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội, Mặt trận Tổ quốc cùng chung tay vào cuộc.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định, kết quả thực hiện và hiệu quả bước đầu các dự án mang lại đã chứng minh tính đúng đắn trong việc lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để đầu tư dự án có tính liên kết vùng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Ninh Bình.
Để hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây (giai đoạn I), ông Phạm Quang Ngọc đề nghị, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về giải phóng mặt bằng để người dân đồng tình, ủng hộ cao với chủ trương phát triển của tỉnh; kiên quyết thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng bài bản, đúng quy định, không để phát sinh điểm nóng về khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến giải phóng mặt bằng, UBND huyện Nho Quan cần xây dựng tiến độ chi tiết hoàn thành giải phóng mặt bằng của dự án, đảm bảo hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng trong nửa đầu năm 2024 để thi công hoàn thành dự án trong năm 2024.
Các sở, ban, ngành liên quan tăng cường hỗ trợ huyện Nho Quan trong mọi công đoạn, phần việc để thực hiện hiệu quả giải phóng mặt bằng, nhất là giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng của dự án.
Dịp này, 17 tập thể và 43 cá nhân đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.