Tuần này, các giải vô địch quốc gia sẽ tạm nghỉ nhường sân chơi cho các đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Theo truyền thống hàng năm, đây là thời điểm các ĐTQG bắt đầu đá giao hữu, tạo ra một nốt trầm đáng kể trong nhịp sống sôi động của bóng đá giai đoạn đầu mùa bóng. Rất ít NHM muốn xem các trận giao hữu. Đó là thực tế.
Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 6/9 tới, bóng đá châu Âu sẽ chứng kiến một thời khắc lịch sử: Các trận giao hữu vô thưởng vô phạt sẽ chính thức bị khai tử và thay thế vào đó là một giải đấu mang tên UEFA Nations League.
Trước khi đi sâu phân tích mặt lợi và hại của “sản phẩm” mà UEFA quảng cáo tương đối rầm rộ này, chúng ta nên biết sơ qua về thể thức thi đấu và lợi ích của giải đấu này.
Quy định phức tạp
UEFA Nations League là giải đấu quy tụ 55 đội tuyển thành viên của UEFA. 55 đội tuyển sẽ chia thành 4 hạng (League A, League B, League C, League D) theo thứ tự từ mạnh đến yếu.
UEFA Nations League là sáng kiến mới của UEFA. |
League A sẽ gồm 12 đội tuyển mạnh nhất của châu Âu, League B: 12 đội, League C: 15 đội và League D: 16 đội tuyển. Từng nhóm (league) này sẽ tiếp tục chia nhỏ ra thành 4 bảng, thi đấu theo thể thức vòng tròn chọn ra 4 đội nhất bảng.
Về bản chất thì những trận đấu của Nations League cũng chẳng khác gì giao hữu nếu như UEFA không cài thêm vào một lợi ích tuyệt vời: 4 đội xuất sắc nhất của giải đấu này sẽ được trao 4 tấm vé dự vòng chung kết Euro.
Lấy ví dụ Euro 2020 vẫn sẽ thi đấu vòng loại như thường. Nhưng loạt trận vòng loại Euro 2020 sẽ chỉ trao 20/24 tấm vé dự VCK. 4 tấm vé còn lại sẽ được trao thông qua Nations League.
Để giành vé dự Euro, thể thức sẽ như sau: 16 đội đầu bảng của các League A, B, C, D (mỗi League 4 đội) sẽ chia thành 4 nhóm thi đấu play-off với nhau theo thể thức chia cặp loại trực tiếp (bán kết và chung kết).
Đội đầu bảng nào đã có vé dự VCK thông qua vòng loại, đội xếp hạng cao nhất ở phần còn lại của League tương ứng sẽ được đôn lên thay thế. Đội thắng trong 4 trận chung kết sẽ là chủ nhân của 4 tấm vé còn lại dự Euro.
Lợi ích gì từ Nations League?
Lợi ích thứ nhất là về mặt lý thuyết, việc UEFA tạo ra lợi ích cho một giải đấu sẽ tăng tính hấp dẫn cho các trận đấu. Như vậy, bài toán “vô thưởng vô phạt” mà các trận giao hữu tạo ra đã được giải quyết.
UEFA Nations League liệu có mang đến tính hấp dẫn? |
Lợi ích thứ hai là các trận đấu tại Nations League sẽ chỉ diễn ra giữa những đội bóng cùng đẳng cấp. Mạnh gặp mạnh, yếu gặp yếu. Ví dụ: League A quy tụ 12 đội tuyển mạnh nhất châu Âu. Như vậy, tất cả các trận đấu của League A đều là cuộc chạm trán của các đội tuyển lớn như Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp…
Với thể thức này, NHM sẽ không phải chứng kiến những cuộc đấu giữa những đội tuyển quá mạnh và đối thủ quá yếu. Như tỷ số như Tây Ban Nha thắng Liechtenstein 11-0 sẽ không xảy ra.
Tựu chung lại UEFA Nations League ra đời vì 2 mục đích rất cụ thể. Đó là tạo ra động lực để những trận đấu ở cấp độ ĐTQG hấp dẫn hơn và tạo ra nhiều trận đấu cân bằng hơn hơn so với những cặp đấu quá chênh lệch về đẳng cấp trong quá khứ.
UEFA đang rắc rối hóa những thứ đơn giản
Không thể phủ nhận những điều tích cực mà UEFA Nations League mang lại cho NHM bóng đá. Thay vì phải xem những trận giao hữu như cơm nguội, các fan bóng đá hoàn toàn có quyền chờ đợi Đức - Anh, Tây Ban Nha - Pháp đối đầu.
Tuy nhiên, dưới góc độ của các đội tuyển thì sáng kiến này chẳng khác nào tối kiến. Kể từ bây giờ, những đội tuyển ở tầm trung như Scotland, Hy Lạp, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ… sẽ không còn cơ hội được đọ sức với những đối thủ mạnh để nâng cao trình độ nữa.
Hãy cứ thử tưởng tượng Azerbaijan mà gặp Latvia, liệu NHM của chính 2 đội tuyển này có muốn dự khán nữa hay không?
UEFA Nations League sẽ tạo ra sự phân hóa mạnh - yếu rõ rệt. |
Và liệu 2 đội tuyển này có thể học hỏi, cọ xát được gì khi quanh năm suốt tháng chỉ gặp những đối thủ cũng yếu như họ? Xét về lợi ích kinh tế mà những đội tuyển yếu ở châu Âu có được rõ ràng không thể bằng quá khứ.
Những trận đại chiến diễn ra quanh năm suốt tháng cũng không phải là điều mà chính NHM mong đợi. Đôi khi, chúng ta phải mòn mỏi chờ đợi đến các vòng chung kết Euro hay World Cup mới được chứng kiến Anh - Pháp đối đầu. Nhưng giờ đây, mỗi năm họ đều gặp nhau 1 - 2 lần, liệu giá trị của trận đấu có còn được bảo toàn hay không?
Có công bằng không?
Hơn thế nữa, việc UEFA cài thêm 4 suất dự Euro vào Nations League cũng bị chỉ trích. NHM cho rằng các đội tham dự VCK Euro nên được trải qua một cuộc sàng lọc công bằng. Nhưng giờ đây, những đội bóng ở nhóm D - nhóm yếu nhất chỉ phải thi đấu với nhau là có vé. Liệu tính công bằng có còn được bảo toàn hay không?
Những trận giao hữu cho dù tương đối nhàm chán, nhưng nó an toàn và bảo vệ lợi ích của số đông. Số đông ở đây không chỉ là các đội tuyển, NHM mà còn của cả các câu lạc bộ lớn - những đội bóng phải trực tiếp nhả cầu thủ về ĐTQG.
Giờ đây, khi các đội tuyển nhân danh Nations League để lấy người thì dù cầu thủ đó chấn thương, anh ta cũng sẽ phải chịu nhiều trách nhiệm hơn so với quá khứ. Điều này có thể ảnh hưởng tới lợi ích của một đội bóng lớn và cao hơn là cả một giải đấu.
Tít mù rồi lại vòng quanh. Nations League của UEFA là một sản phẩm như vậy.
Mbappe nén đau thi đấu hai trận cuối World Cup 2018
Tờ L'Équipe tiết lộ sao trẻ tuyển Pháp - Mbappe bị sái ba đốt sống lưng trước trận bán kết gặp Bỉ tại World Cup ... |
FIFA "mổ băng", Paul Pogba mất bàn thắng
Một tin không vui đã đến với tiền vệ Paul Pogba sau khi FIFA tiến hành "mổ băng" trận đấu giữa Pháp và Australia. Ở ... |
Real chưa cần đá phút nào đã bỏ túi 50 triệu euro mùa tới nhờ Champions League
Nhà vô địch châu Âu Real Madrid đã có thể ngồi chờ 50 triệu euro chảy vào túi mà chưa phải toát một giọt mồ ... |